Thông qua Ngân, ông M. làm thủ tục thế chấp hai căn nhà ở đường Bến Vân Đồn (Q.4) để vay tiền. Ngày 13.6.2009, Sacombank duyệt ký hợp đồng tín dụng cho ông M. vay 2,8 tỉ đồng. Trong quá trình làm hồ sơ, ông M. nhờ Ngân làm sẵn, khi tới chỉ việc ký tên, đóng dấu công ty. Lợi dụng sơ hở này, Ngân làm các giấy nhận nợ khống của các đợt vay tiền rồi đưa cho ông M. ký tên, đóng dấu. Ngày 18.9, Ngân đưa các giấy khống này để nhân viên giao dịch làm thủ tục giải ngân, sau đó Ngân trực tiếp gặp thủ quỹ phòng giao dịch nhận 2,8 tỉ đồng rồi đem tiêu xài cá nhân. Khi ông M. hỏi, Ngân nói dối ngân hàng không giải ngân, đòi lại giấy tờ nhà thì Ngân cứ khất lần.
Chưa hết, cũng trong tháng 6.2009, Ngân nói với ông M. có căn nhà ở Q.4 bán với giá rẻ và hỏi mượn ông M. 60.000 USD để mua. Nghĩ Ngân là trưởng phòng và có mối quan hệ làm ăn lâu dài nên ông M. đồng ý, nhưng sau đó Ngân cũng chiếm đoạt luôn số tiền này. Khi biết bị lừa, ông M. làm đơn tố cáo thì Ngân bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy nã Ngân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại gia “khu cầu Sài Gòn”
Ngay khi bỏ trốn, Ngân sang Campuchia bằng đường bộ, sau đó làm giấy tờ giả thành người có quốc tịch Campuchia. Vốn là người có trình độ và học ngoại ngữ tốt, chỉ khoảng một năm sau, Ngân nói và viết thông thạo tiếng Campuchia nên không ai biết rằng Ngân là người gốc Việt. Lúc này, Ngân mở công ty mua bán linh kiện điện tử rồi nhanh chóng trở thành đại gia có tên tuổi ở Campuchia. Ngân lấy vợ, sinh con tại đây nên thân phận trốn truy nã của y càng được bọc kín.
Trong khi đó, những năm đầu Ngân mới bỏ trốn, các trinh sát truy tìm ráo riết, xác minh chỗ ở cũ Q.4 và chỗ ở hiện tại của mẹ Ngân ở Thủ Đức, nhưng vẫn không có manh mối gì. Ngân chủ động cắt đứt mọi liên lạc với người thân, đồng nghiệp trước kia, khiến các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TP.HCM tốn khá nhiều thời gian truy tìm dấu vết nhưng không kết quả. 5 năm trời, nhiều lúc trinh sát tưởng chừng bỏ cuộc vì không có chút manh mối về nghi phạm bị truy nã, thì đến đầu năm 2016, một nguồn tin cho biết mẹ Ngân thường xuyên lấy hàng linh kiện điện tử gửi qua Campuchia cho một người đàn ông lạ mặt.
Nhận định có thể “người đàn ông lạ mặt” kia chính là Ngân, PC52 tung trinh sát lần theo dấu vết này. “Có lẽ sau 5 năm, nghĩ rằng công an đã bỏ cuộc, vụ việc đã đi vào quên lãng nên Ngân bắt đầu nhờ người trung gian là nhân viên của mình liên lạc với mẹ tìm mối hàng gửi sang”, một trinh sát nhớ lại.
Thời gian này, mẹ của Ngân mua linh kiện điện tử của một số công ty ở VN nhập từ nước ngoài về rồi chuyển qua Campuchia. Tuy nhiên, tại Campuchia Ngân đề phòng nên không trực tiếp nhận hàng mà cử nhân viên nhận thay. Dù vậy, đường đi nước bước của những lô linh kiện bị giám sát chặt và thân phận Ngân dần lộ diện. Theo đó, sau khi trốn qua Campuchia, Ngân sống ở khu cầu Sài Gòn (có nhiều người VN sinh sống). Tiền mang theo, Ngân đổ vào mua đất. Nhờ đất lên giá, Ngân trúng mánh, phất lên và chuyển qua kinh doanh linh kiện điện tử. Từ năm 2012, Ngân phất lên như diều gặp gió, được cho là đại gia, là doanh nhân thành đạt ở khu cầu Sài Gòn.
Qua thu thập nhiều nguồn tin, trinh sát phát hiện thỉnh thoảng Ngân qua biên giới, đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) giao dịch những lô hàng lớn.
Giữa tháng 9.2016, nhận được tin Ngân xuất hiện ở địa phận tỉnh Tây Ninh - khu vực gần biên giới, trinh sát PC52 phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài bắt giữ Ngân khiến y cũng hết sức bất ngờ.
Kể về trường hợp này, một trinh sát tham gia truy bắt Ngân nói: “Nhờ giàu có, tạo nhiều mối quan hệ “vàng” ở Campuchia nên Ngân sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi người bình thường khó có thể làm được để che giấu thân phận của mình như việc sử dụng giấy tờ giả nhập quốc tịch... Nhưng tinh vi đến đâu, cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, đã vi phạm pháp luật thì trước sau gì cũng sẽ bị trừng phạt”.
Theo Ngọc Lê - Đàm Huy (Thanh Niên Online)