"Bị cáo cầu xin sự khoan hồng của pháp luật. Cho bị cáo xin tại ngoại để chăm lo cho bố mẹ và người vợ đang có thai”, Nguyễn Minh Hùng vừa khóc vừa nói. |
Trong phiên phúc thẩm VN Pharma chiều 24/10, giữa luật sư Phạm Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng và đại diện VKS đã có phần tranh cãi về lệnh bắt tạm giam 2 bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) vào chiều 23/10.
Theo luật sư Hưng: “Vụ việc này ảnh hưởng đến thân chủ của tôi nên khi tuyên bố, bị cáo Hùng đã choáng, ảnh hưởng tinh thần”. Đáp lại phần tranh luận của luật sư, VKS trích dẫn Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).
Vị công tố viên cho rằng: “Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án có quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo, không có điều luật nào giới hạn quyền của Tòa phúc thẩm”.
Chia sẻ với PV, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc bắt tạm giam hai bị cáo này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 243 BLTTHS.
Đồng thời, luật sư trích dẫn thêm Khoản 2 Điều 80 BLTTHS: “Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”.
Qua đó, luật sư Sơn cho rằng trong trường hợp này thì không cần chứng kiến của luật sư, người thân hay người giám hộ, nhưng cần có sự chứng kiến của đại diện chính quyền phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, nơi tiến hành bắt các bị cáo để tạm giam. Tuy nhiên, sau đó Tòa phải thông báo cho gia đình các bị cáo và chính quyền nơi các bị cáo này cư trú biết.
Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định thêm: “Việc Tòa án cấp phúc thẩm bắt các bị cáo để tạm giam là cần thiết nhưng hơi muộn. Lẽ ra, Tòa án phải ra quyết định bắt các bị cáo để tạm giam ngay khi nhận được hồ sơ vụ án từ tòa cấp dưới chuyển lên, chứ không phải đợi đến khi nghị án rồi mới ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn”.
Luật sư cho biết quyết định cho các bị cáo tại ngoại chờ xét xử trước đó khiến ông và nhiều chuyên gia pháp lý khác không khỏi ngạc nhiên.
Luật sư Sơn nói rằng ông không hiểu tại sao đối với tội nghiêm trọng, phức tạp như vụ án này mà các bị cáo lại được cho tại ngoại. Vì việc cho bị cáo tại ngoại có thể dẫn đến việc thông cung hoặc bị tác động từ bên ngoài để đưa ra các lời khai không đúng sự thật làm khó khăn cho quá trình xét xử.
Hiện phiên tòa trong quá trình nghị án, dự kiến HĐXX phúc thẩm sẽ tuyên án vào sáng ngày 30/10.
Khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định:
Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó chánh toà Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao (hiện nay theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân cấp cao) quyết định.
Việc TAND cấp phúc thẩm ra lệnh bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường, Giám đốc công ty H&C, tại tòa khiến nhiều người bất ngờ. |
Theo Nhóm Phóng Viên (Tri Thức Trực Tuyến)