Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an chiều 29/3 xác nhận với PV VietNamNet, Cơ quan điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán; Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
"Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại điều 211, Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Quyết", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Trước đó, vào ngày 26/3 chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng đã bị Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh một tháng để phục vụ điều tra.
Những hành vi của ông Quyết xảy ra hồi tháng 1 đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.
Cụ thể theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được "đánh lên" với giá rất cao thì ngày 10-1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình từ 15 - 40 triệu cổ phiếu.
Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư mới vừa "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.
Sau khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, đồng thời hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.
Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Ngày 18-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định.
Đồng thời chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Trước khi xảy ra phi vụ "bán chui", ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Sau khi hủy giao dịch, tỉ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC không thay đổi.
Tuy nhiên, sự cố này cũng gây một số tác động tâm lý đến nhà đầu tư chứng khoán, dẫn đến các cổ phiếu "họ FLC" đã bị nhiều nhà đầu tư bán ra, rớt giá, mất thanh khoản.
Đây là lần thứ hai Chủ tịch FLC nhận án phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trước đó vào tháng 11-2017, ông Quyết bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường.
Cũng 2017, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT cũng bị phạt với nguyên nhân đã bán chui hơn 13,69 triệu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỉ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.
NT (Nguoiduatin.vn)