Bắt bài sai phạm đấu thầu thiết bị y tế, có bịt được kẽ hở?

17/11/2021 08:05:17

Thiết bị y tế được xem là “mặt hàng đặc thù” nhưng đang quy định đấu thầu như hàng hóa thông thường, khiến cho nhiều nơi lợi dụng để nâng giá. Nhiều vụ các đơn vị bệnh viện liên thông với các công ty cung cấp thiết bị, thẩm định giá “bắt tay” làm ăn đã bị lực lượng chức năng bắt bài.

Bắt bài sai phạm đấu thầu thiết bị y tế, có bịt được kẽ hở?
Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế chống dịch nhờ vào một phần trang thiết bị được tài trợ

Trục lợi từ người bệnh và dịch COVID - 19

Tháng 12/2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội bị tuyên phạt 10 năm tù vì câu kết với các bên liên quan nâng khống giá máy xét nghiệm. Trước đó, CDC Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao hơn 31 tỷ đồng kinh phí bổ sung để mua sắm thiết bị khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh vì động cơ vụ lợi, ông Nguyễn Nhật Cảm trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm máy móc, thiết bị y tế với các bên liên quan, giả mạo hồ sơ, chứng thư thẩm định và ấn định mức giá gói thầu là 9,54 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường. Giám đốc CDC Hà Nội còn chỉ đạo các cán bộ cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu để chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 5,4 tỷ đồng.

Hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở nhiều nơi. Ngày 21/10/2021, ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã bị khởi tố để điều tra “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015. Bộ Công an xác định, trong vụ việc trên các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội đã câu kết với nhà thầu, định giá làm tăng chi phí vật tư, thiết bị y tế tại 2 gói thầu, mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế gây thất thoát trên 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại TPHCM ngày 8/2/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc; khởi tố bà Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc BV Mắt TPHCM để điều tra hành vi vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Được biết, những bị can này bị điều tra về việc nâng giá thiết bị thủy tinh thể. Và mới nhất, ngày 7/11 ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại bệnh viện. Hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, ông Nguyễn Minh Quân và ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm, đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Kẽ hở lớn

Theo một số lãnh đạo bệnh viện tại TPHCM, Luật Đấu thầu đã có hướng dẫn với các thông tư, nghị định, tuy nhiên còn mang tính chất chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng hạng mục cụ thể nên ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh.

Một lãnh đạo bệnh viện xin giấu tên nói rằng, hiện nay, các trang thiết bị y tế chỉ phân nhóm, chưa chỉ rõ nhà sản xuất và giá đi kèm trên cơ sở công khai giá nhập khẩu của nhà cung cấp và thống nhất giá của nhiều bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế. Điều này có thể tạo ra những kẽ hở để trục lợi, lách luật, đẩy giá trang thiết bị, vật tư y tế lên cao.

“Trên thực tế, tùy theo nhu cầu và năng lực của các đơn vị sử dụng, việc mua sắm thiết bị sẽ có sự khác nhau về cấu hình, phần cứng, phần mềm, thời gian bảo dưỡng, bảo trì đi kèm nên cơ cấu giá có sự khác nhau. Thời điểm mua sắm trang thiết bị cũng là một trong những vấn đề có tác động đến cơ cấu giá của sản phẩm. Mặt khác, hiện quy trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị đang tốn nhiều thời gian. Từ thời điểm đấu thầu đến thời điểm hoàn tất quy trình, thủ tục đưa được trang thiết bị vào sử dụng có thể phải mất nhiều tháng”, vị lãnh đạo này nói.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho rằng: “Trong đấu thầu, có thể có những quy định chưa hợp lý. Nếu “xé rào” để thực hiện đấu thầu vì bất kỳ lý do gì cũng sẽ rất dễ dẫn đến sai phạm”.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ra rằng, Luật Đấu thầu cần phải quy định thật chi tiết, để người muốn làm sai cũng không thể nào làm được. “Nên có quy định riêng về mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, hóa chất. Mặt hàng y tế có đặc thù rất riêng so với các mặt hàng khác vì tính chất cấp cứu người bệnh, vì mô hình bệnh tật, vì có những bệnh rất hiếm và rất lâu mới gặp một lần”, bác sĩ Thức kiến nghị.

Cần minh bạch về giá

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, nhiều trang thiết bị như máy thở và test, kit xét nghiệm… nhu cầu quá lớn nhưng nhà cung cấp chưa đủ đáp ứng nên giá thành tăng cao. Nếu căn cứ theo các quy định của Luật Đấu thầu thì rất khó cho việc mua sắm. Do đó, nhiều bệnh viện không dám mua mà chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để phục vụ chống dịch.

Một lãnh đạo bệnh viện tại TPHCM cho rằng, Bộ Y tế nên tổng hợp dữ liệu về trang thiết bị trong toàn quốc thành một bảng tổng hợp chung, công khai giá trần, giá sàn chi tiết của tất cả các trang thiết bị. Điều này vừa ngăn chặn các công ty thổi giá vừa chặn đứng ý định móc nối, bắt tay nhau giữa những cá nhân để trục lợi, tránh sai sót trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế và bảo vệ nhân sự của ngành y trong trường hợp không cố ý làm sai.

Theo Vân Sơn - Lê Nguyễn (Tiền Phong)