Báo động tình trạng mua bán vũ khí trên mạng

21/11/2017 09:24:10

Công an TP HCM vừa bắt giữ Bùi Đức Hoàng (23 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), "ông trùm" đường dây "lái súng" qua mạng cho thấy loại tội phạm này ngày càng lộng hành.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến tháng 6/2017, cả nước xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan đến mua bán vũ khí. Trong đó tình trạng mua bán vũ khí qua mạng ngày càng phức tạp.

Tinh vi

Báo động tình trạng mua bán vũ khí trên mạng
Công an TP Hải Phòng thu giữ nhiều vũ khí mua bán trái phép.

Ngày 16/11, tại địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM, Bùi Đức Hoàng bị Đội hình sự đặc nhiệm hướng Nam thuộc Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP.HCM bắt giữ cùng tang vật là 14 khẩu súng ngắn bắn đạn bi kim loại, 20 hộp tiếp đạn, 3.600 viên đạn bi, 37 bình gas các loại.

Theo Đội hình sự đặc nhiệm hướng Nam, Hoàng chuyên mua bán trái phép nhiều loại súng ngắn trên phạm vi cả nước. Những loại súng này bắn bằng đạn bi kim loại và sử dụng bình gas CO2 để nạp nhiên liệu. Đây là loại súng do Trung Quốc sản xuất thời gian gần đây. Tuy không phải là súng quân dụng nhưng loại súng này có tỷ lệ sát thương rất cao, bắn chết người ở cự li gần.

Để nhập trái phép các loại súng này, Hoàng ra tỉnh Lạng Sơn móc nối với nhiều thành phần bất hảo khu vực biên giới để lấy "hàng" và vận chuyển về tập kết tại một tiệm internet trên địa bàn Hà Nội.

Sau đó, Hoàng đăng lên các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau để "chào hàng". Từ đầu tháng 10/2017 đến nay, Hoàng đã bán ra thị trường hàng trăm khẩu súng, chủ yếu là khu vực phía Bắc. Đến khi mở rộng "thị trường" vào phía Nam thì bị công an bắt giữ.

Trước đó, cuối tháng 10, Công an tỉnh Thái Bình cũng triệt phá đường dây chuyên mua bán, sản xuất trái phép vũ khí tự chế qua mạng với sự tham gia của 28 người, thu giữ hơn 20 khẩu súng tự chế các loại, 20 nòng súng, 3 bầu nén khí và nhiều phụ kiện dùng để chế tạo vũ khí có tính năng sát thương và gây tử vong cao.

Trong đó có Nguyễn Thanh Hải (27 tuổi, trú huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Văn Hưng (31 tuổi, trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là những kẻ nổi cộm trong hoạt động chế tạo và cung cấp "hàng nóng" trên mạng xã hội. Hoạt động mua bán, vận chuyển được họ thực hiện hết sức tinh vi dưới hình thức đặt hàng qua mạng và gửi hàng theo đường bưu điện.

Khó kiểm soát

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 6/2017, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ.

Đáng chú ý, tình trạng rao bán vũ khí ngày càng diễn ra công khai và phức tạp, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Chỉ tính từ ngày 1/7 đến 26/8, trên mạng có gần 92.500 lượt tương tác bao gồm bài đăng, bình luận, chia sẻ, lượt thích liên quan đến hành vi mua bán vũ khí. Ngoài ra có trên 4.500 lượt tương tác liên quan đến rao bán vật liệu gây nổ.

Theo đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, để phục vụ người mua, các chủ tài khoản đã móc nối lập đường dây nhập lậu nhiều loại súng, công cụ hỗ trợ…có giá thành từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Thậm chí, nhận thấy nhu cầu mua bán lớn và mang lại lợi nhuận cao, nhiều kẻ còn dùng công nghệ 3D sao chép, sản xuất, nâng cấp tính năng các loại súng rồi bán ra thị trường.

Đại tá Tuấn lo ngại việc ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này rất khó kiểm soát, còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc quy định của pháp luật. Chẳng hạn, nhiều loại vũ khí như súng săn, súng bắn cồn, bắn gas hay CO2 gây sát thương rất lớn, có thể chết người nhưng chỉ có thể xử lý hành chính chứ không thể khởi tố và xử lý theo quy định của điều 233 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc Chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ.

Đại tá Vũ Thanh Chương, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, cho rằng chính những vướng của quy định pháp luật, không đủ sức răn đe nên loại tội phạm mua bán "hàng nóng" trên mạng ngày càng lộng hành, biến tướng phức tạp. 

Theo Trọng Đức (Nld.com.vn)

Nổi bật