Bán dâm là bị 'bóc lột tình dục'?

06/12/2017 08:54:19

Nhiều vấn đề chưa rõ đã được các chuyên gia nêu lên góp ý cho dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 2015 về tội mua bán người… của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Ngày 5-12, TAND Tối cao phối hợp với Cơ quan ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc tổ chức h ội thảo góp ý nội dung dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 2015 về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội phạm khác có liên quan của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Thế nào là “bóc lột tình dục”?

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn, quy định tại Điều 150 BLHS 2015 (tội mua bán người) và Điều 151 BLHS 2015 (tội mua bán người dưới 16 tuổi) được xây dựng hoàn toàn mới, cấu thành tội phạm có ba yếu tố bắt buộc gồm hành vi, mục đích, có thủ đoạn (năm hành vi, năm mục đích và ba nhóm thủ đoạn).

Theo dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, mục đích “bóc lột tình dục” của nhóm tội trên được giải thích là trường hợp nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm, như mua bán người rồi đưa họ đến các ổ mại dâm hoặc tổ chức cho họ bán dâm. Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng cần hướng dẫn rõ hơn về khái niệm này.

“Cách đây hai năm, tôi theo đoàn sang Trung Quốc, có trường hợp chị em ta sang đó lấy chồng nhưng thực tế là làm vợ cho cả gia đình gồm bố, anh, em. Có trường hợp chỉ phục vụ cho một người nhưng tần suất và thời gian trái mong muốn của họ. Đó là bóc lột tình dục” - ông Hoàn nêu dẫn chứng. Từ đó ông cho rằng hướng dẫn của TAND Tối cao cần tham khảo tinh thần nghị định thư (về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) mà Việt Nam là thành viên.

Bán dâm là bị 'bóc lột tình dục'?
Xét xử một vụ mua bán người tại TAND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Lương Thị Mỹ Hạnh

Đồng tình, đại diện Bộ Công an cũng cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm “bóc lột tình dục” bởi theo ông, hiện có không ít trường hợp phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm, ngoại trừ một số ít bị lừa gạt thì đa phần thông qua con đường du lịch và tự nguyện. “Tự nguyện bán dâm thì có phải là bóc lột tình dục không? Có xác định là hành vi mua bán người không? Trong hướng dẫn cần cụ thể, nếu không sẽ rất khó cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử” - đại diện Bộ Công an đề xuất.

Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Tiền cũng băn khoăn về trường hợp nạn nhân “tự nguyện bán mình”. “Người thực hiện hành vi phạm tội không phải dùng đến vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa hay có bất kỳ thủ đoạn nào thì có phạm tội mua bán người không và nạn nhân có được coi là đồng phạm không? Nạn nhân ra nước ngoài, sau đó tình nguyện bán dâm thì có coi bị hại là đồng phạm không? Đây là vụ việc thực tế Quảng Ninh đã xét xử. Chúng tôi coi họ là bị hại nhưng vẫn băn khoăn về trường hợp này” - ông Tiền nói.

Lừa người khác kết hôn với người nước ngoài, bị tội?

Đại diện Bộ Công an còn băn khoăn, đề nghị TAND Tối cao hướng dẫn rõ về trường hợp nếu người phạm tội vừa mua bán người vừa tổ chức hoạt động mại dâm hoặc bóc lột tình dục thì xử lý về hành vi nào hay xử lý cả hai hành vi.

Cạnh đó, theo dự thảo nghị quyết, khái niệm “mục đích vô nhân đạo khác” trong các tội trên được hiểu là để sử dụng vào mục đích tàn ác, dã man như dùng vào việc làm thí nghiệm; buộc trẻ em phải lao động cực nhọc, đi ăn xin để lấy tiền; để quay phim, chụp ảnh, vẽ tranh khiêu dâm, đồi trụy hoặc các hành vi tương tự khác. Ông Nguyễn Văn Hoàn đề xuất cần hướng dẫn rõ hơn về khái niệm này. Theo ông, “mục đích vô nhân đạo khác” theo nghị định thư gồm năm mục đích cụ thể nhưng BLHS 2015 không chỉ rõ vì sợ liệt kê thiếu, trong khi thực tiễn có nhiều trường hợp chúng ta chưa lường trước được.

Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết dành một điều hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp như sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép. Đó là trường hợp người môi giới dùng thủ đoạn cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài. Hay trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (chồng) hoặc kết hôn chỉ là phương thức, thủ đoạn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc bán cho người khác nhưng vẫn tiến hành môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Bình luận, đại diện Bộ Công an cho rằng những trường hợp dự thảo nêu sẽ không bao giờ có thể điều tra, truy tố được vì hành vi bóc lột xảy ra ở nước ngoài.

Nạn nhân có cả nam giới, trẻ sơ sinh

Từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2017, cả nước xảy ra gần 2.800 vụ mua bán người, liên quan đến hơn 4.100 đối tượng, lừa bán gần 6.000 nạn nhân. Riêng địa bàn TP.HCM và 13 tỉnh, TP miền Tây Nam bộ đã phát hiện 265 vụ, 700 đối tượng với gần 1.400 nạn nhân.

Theo Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên, trên thực tế, tội phạm mua bán người được che giấu bởi các hình thức như tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới... Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, đẻ thuê, lấy nội tạng, bào thai... Đáng chú ý, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em như những năm trước mà còn có cả nam giới và trẻ sơ sinh.

Theo Đức Minh (Pháp Luật TPHCM)