Ngày 26/10, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng bộ môn giải phẫu học, Đại học Y dược TP HCM – YDS (đơn vị tiếp nhận thi hài của người tự nguyện hiến xác) tỏ ra khá bất ngờ trước nguyện vọng hiến xác của Nguyễn Hải Dương.
Theo hiểu biết của vị bác sĩ thì từ trước đến nay, hệ thống các trường đào tạo y tế trong cả nước chưa ghi nhận sử dụng thi hài nào của người bị tử hình để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm, mặc dù luật không cấm tử tù được hiến xác nhưng khó để thực hiện vì hiện tại chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể với trường hợp người bị kết án tử hình xin hiến xác.
Ngoài ra, Đại học Y dược TP HCM cũng có quy định riêng về việc nhận thi hài để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học như:
Chỉ nhận thi hài của người đang sinh sống tại TP HCM, không nhận từ các tỉnh thành khác; không nhận thi hài của người qua đời vì bệnh truyền nhiễm hay tai nạn gây hư tổn nặng các bộ phận cơ thể; không nhận thi hài những trường hợp tự tử hoặc có dính dáng đến pháp luật.
Dương cùng đồng phạm tại tòa cấp cao. Ảnh: K.Thành. |
Theo bác sĩ Vũ, mỗi năm YDS tiếp nhận khoảng 60 – 70 thi thể, nhưng chỉ sử dụng khoảng 40 – 50 thi hài để giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Qua nhiều năm, số lượng thi thể tồn đọng gây quá tải nhà chứa.
"Chúng tôi buộc phải đưa ra quy định nhận xác của người tự nguyện hiến ở TP HCM để giảm tải. Người ta tự nguyện hiến thi hài, mình mang về mà không sử dụng kịp, quá tải khiến việc bảo quản không được tốt cũng có lỗi với họ", vị trưởng bộ môn nói.
Về lý do không nhận xác của người vi phạm pháp luật, vị bác sĩ cho biết, người phạm pháp dính dáng đến rất nhiều cơ quan khác như công an, VKS, TAND... Do đó, việc tiếp nhận xác của họ rất rắc rối, phát sinh phiền toái không đáng có.
Do đó, nếu đơn xin hiến xác để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Nguyễn Hải Dương được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt thì Đại học Y dược TP HCM sẽ khó tiếp nhận. Bởi lẽ, Dương rơi vào 2 trường hợp cấm nhận xác của nhà trường là: không phải công dân TP HCM và là người vi phạm pháp luật.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm, hệ thống các trường đào tạo y tế đang phát triển trong cả nước. Người dân có tâm nguyện hiến xác thì liên hệ với trường y gần nhất, tùy vào nhu cầu của từng trường, họ sẽ tiếp nhận với số lượng nhất định để phục vụ công tác.
"Do đó, nếu Dương có nguyện vọng tha thiết hiến xác để chuộc lại phần nào lỗi lầm thì có thể gửi đơn đến các trường đào tạo y tế khác, biết đâu có thể được chấp nhận", bác sĩ Vũ nói.
Quy trình sử dụng thi hài của người hiến xác diễn ra thế nào?
Theo bản những điều cần biết về việc hiến thi hài cho khoa học của Đại học Y dược TP HCM, người đủ điều kiện hiến xác là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không bị dị tật bẩm sinh và sinh sống tại TP HCM.
Một lễ tri ân người hiến xác của Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: YDS. |
Người tự nguyện hiến thi hài phải viết đơn xin hiến xác, có xác nhận của địa phương và gửi kèm bản sao công chứng CMND đến Bộ môn giải phẫu học, Đại học Y dược TP HCM (217 Hồng Bàng, quận 5). Xét đủ điều kiện, nhà trường sẽ cấp thẻ chứng nhận và gửi cho người tự nguyện hiến xác.
Khi người tự nguyện hiến xác qua đời, thân nhân có trách nhiệm gọi điện thoại cho Đại học Y dược TP HCM càng sớm càng tốt, nhà trường sẽ cử đại diện và xe đến nhận. Người thân làm nghi thức vĩnh biệt tại nhà, không được tổ chức tang lễ trong trường, thi thể đặt vào hộp inox để vận chuyển thay vì quan tài.
Sau khi đưa về, nhà trường sẽ tẩm hóa chất, bảo quản thi thể trong vòng vài chục năm để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mỗi thi hài khi đem ra sử dụng được khoảng 1 – 2 năm, sau đó sẽ được hỏa thiêu, bàn giao tro cốt cho gia đình. Nếu người thân không nhận, nhà trường sẽ giữ lại bộ xương tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu.
Theo nội dung vụ án, Nguyễn Hải Dương (25 tuổi) và con gái ông Lê Văn Mỹ (ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước) yêu nhau từ cuối năm 2013. Sau khi chia tay vào đầu năm 2015, Dương cho rằng mình nghèo, bị hắt hủi nên nảy sinh ý định trả thù tình bằng cách giết cả nhà người yêu.
Sau khi chuẩn bị nhiều hung khí, Dương rủ Trần Đình Thoại (28 tuổi, ngụ Vĩnh Long) tham gia.Rạng sáng 4/7/2015, 2 thanh niên này đến nhà ông Mỹ nhưng không gây án được nên bỏ về. Sau đó, Thoại thấy kế hoạch của Dương giết quá nhiều người nên rút lui nhưng vẫn mua thêm dao cho hung thủ gây án.
Rạng sáng 7/7/2015, Dương cùng Vũ Văn Tiến đột nhập vào nhà ông Mỹ. Tại đây, Tiến được xác định đã khống chế, bóp cổ để Dương trực tiếp dùng dao sát hại 6 người trong nhà.
Tại phiên xử sơ thẩm cuối năm 2015, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Dương, Tiến tử hình và Thoại 16 năm tù cùng về tội Giết người và Cướp tài sản. Tháng 7 vừa qua, TAND cấp cao tại TP HCM đã y án với các hung thủ.
Bị dằn vặt, ám ảnh về tội ác đã gây ra, Dương xin tử hình sớm nhưng không được chấp nhận. Ngày 24/10 vừa qua, anh ta đã làm đơn xin được hiến xác sau khi thi hành án để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.