Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 15/11, tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát , đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên y án tử hình bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chung cho 3 tội danh (trong đó tội “Tham ô tài sản” bị đề nghị y án tử hình).
Ngay sau khi Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án, HĐXX cho bà Trương Mỹ Lan tự bào chữa.
Trước HĐXX, bà Trương Mỹ Lan nói rằng, bà đã nhận thức sâu sắc hành vi sai phạm nên không kêu oan, chỉ xin HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bà.
“Nếu được sống thì mới có cơ hội tiếp tục khắc phục hậu quả, mới có cách làm cho các dự án đang dang dở đang đắp chiếu được hồi sinh” – Bà Trương Mỹ Lan trình bày.
Sau phần tự bào chữa của bà Lan, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM) bào chữa cho bà Lan nói rằng, trong vụ án này, các hành vi sai phạm được phân ra 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2012 đến trước ngày 1/1/2018 bà Lan bị kết tội vi phạm về hoạt động tín dụng, ngân hàng , giai đoạn 2 bị kết tội tham ô tài sản trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. “Như vậy có thể thấy rằng, cùng một hành vi, với cùng một ý thức xuyên suốt từ những năm 2012 đến khi bị khởi tố bà Lan bị truy tố về hai tội danh” – Luật sư Huyền Trang nói.
Cũng theo luật sư Huyền Trang, đây là vụ án tham ô tài sản đầu tiên trong lĩnh vực tư bị điều tra, truy tố, xét xử và tuyên án mức án tử hình. Vụ án có quy mô đặc biệt lớn, có nhiều người tham gia gồm cả trong lĩnh vực tư và lĩnh vực công. Tuy nhiên, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử bà Lan luôn nhận trách nhiệm về hậu quả và chịu trách nhiệm khắc phục toàn bộ thiệt hại, chưa từng đổ lỗi cho bất kỳ bị cáo nào.
Luật sư Huyền Trang phân tích, hành vi phạm tội của bà Lan xuất phát từ hoạt động kinh doanh thuần túy, thực tiễn trong vụ án cũng chứng minh số tiền tham ô tài sản của bà Lan dùng vào hoạt động Ngân hàng SBC (hơn 183.000 tỷ đồng); tạo lập các tài sản bất động sản kinh doanh tại Việt Nam; chi trả cho các tổ chức cá nhân trong nước hơn (50.000 tỷ đồng); chuyển tiền qua biên giới cũng đã chứng minh số tiền bị cáo chuyển vào Việt Nam lớn hơn nhiều lần số tiền bị cáo chuyển ra khỏi Việt Nam (chuyển ra khỏi Việt Nam là 1,5 tỷ đô la Mỹ và chuyển vào Việt Nam hơn 3 tỷ đô la Mỹ).
Luật sư Huyền Trang cũng nêu rằng, từ sau khi xét xử sơ thẩm, mặc dù bị tuyên tử hình nhưng bà Lan vẫn luôn chủ động khắc phục thiệt hại cho toàn bộ vụ án. Thực tế bị cáo Lan cũng đã chủ động đưa toàn bộ tài sản của bị cáo và gia đình, bạn bè để khắc phục mà không thoái thác trách nhiệm.
“Nếu tạm chấp nhận giá trị định giá để đối chiếu về con số thì giá trị tài sản của bà Lan khắc phục hậu quả đủ đáp ứng áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Ngoài ra, bà Lan còn có Huân chương Lao Động; 31 Bằng khen và các tình tiết giảm nhẹ khác. Căn cứ phân tích trên đây, tôi kính đề nghị Viện Kiểm sát chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư và có kết luận lại đối với hình phạt tử đối với tội tham ô, giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân. Tổng hợp các hình phạt ở các tội bị cáo Lan chịu mức án là chung thân” – Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang ‘chốt’ bài bào chữa.
Theo Tân Châu (Tiền Phong)