Như VietNamNet đã đưa, ngày 21/12, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, 8 bị cáo bỏ trốn, bị truy nã (trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn) đều được Tòa án chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
VKSND Tối cao cho rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. CQĐT đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quyết định truy nã quốc tế nhưng chưa có kết quả.
Đồng thời, CQĐT cũng đã phát thư kêu gọi bà Nhàn và những người bỏ trốn ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, kết luận điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo đang bị truy nã là chuyện hi hữu, chưa từng xảy ra trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Việc tòa án chỉ định người bào chữa cho bị cáo bị xét xử vắng mặt cũng là chuyện hiếm gặp. Đây là vụ án đặc biệt, tòa án sẽ làm rõ các vấn đề về tố tụng cũng như về nội dung trong phiên tòa xét xử tới đây để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, theo quy định của BLTTHS năm 2015, trường hợp bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và chưa có kết quả truy nã, tòa án có thể xét xử vắng mặt đối với bị cáo.
Cụ thể, Điều 290 BLTTHS quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa như sau: Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án. Nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải. Nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo, HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn, HĐXX tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu CQĐT truy nã bị cáo.
Khoản 2, Điều 290 BLTTHS cũng quy định, Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận; Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam từ trước đến nay, gần như chưa có trường hợp nào cơ quan tố tụng kết luận điều tra và truy tố đối với bị can đang bị truy nã. Vấn đề này pháp luật quy định cũng chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong các vụ án mà Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, giám sát. Một số bị cáo trong vụ án này còn có liên quan đến sai phạm của một số vụ án khác nên việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện khẩn trương, kiên quyết, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Với những bị cáo đang bỏ trốn, trường hợp họ đang ở nước ngoài, sau khi có bản án của tòa án, cơ quan chức năng có thể yêu cầu các quốc gia mà bị cáo đang cư trú phối hợp để dẫn độ bị cáo về nước để thi hành án”, ý kiến của luật sư Đặng Văn Cường.
Theo T.Nhung (VietNamNet)