Các cơ quan liên ngành TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho hành vi căng băng rôn bêu tên cán bộ trên ôtô diễu phố của bà chủ khách sạn có dấu hiệu hình sự.
"Các cơ quan liên ngành TP Mỹ Tho thống nhất hành vi của bà Trinh có dấu hiệu tội phạm hình sự. Chúng tôi đang xin chủ trương của liên ngành cấp tỉnh", đại tá Đoàn Văn Thanh - Trưởng Công an TP Mỹ Tho - nói.
Theo ông Thanh, hành vi Vu khống của bà Trinh thể hiện qua việc in băng rôn có nội dung: "Yêu cầu khởi tố tên Hồ Văn Bá - phó bí thư Đảng ủy phường 1 cầm đầu, chủ trương tổ chức lén lút phá hoại đường dây cáp điện của khách sạn 2222" dán lên ôtô, diễu phố vào ngày 15 và 16/2.
"Công an TP Mỹ Tho trước đó có kết luận, trả lời cho bà Trinh rằng, trong vụ một số hộ dân móc dây điện của khách sạn 2222 vào đèn đường không phải do UBND phường 5 chủ trương. Lúc đó ông Bá làm phó Chủ tịch UBND phường 5 không chỉ đạo việc này", đại tá Thanh nói và cho biết sau khi bị bêu tên, ông Bá có đơn yêu cầu xử lý hình sự hành vi này của bà chủ khách sạn.
Chiếc ôtô bà Trinh căng băng rôn, bêu tên cán bộ giễu phố. Ảnh: A.X |
Theo bà chủ khách sạn, năm 2012 bà được phường vận động đóng 3 triệu đồng để làm đường dây điện thắp sáng công cộng. Vì khách sạn mới khai trương nên bà chỉ góp một triệu và nhiều người khác cũng tham gia. Thế nhưng, họ chỉ lắp đặt dây nóng và có chủ trương mượn dây nguội của dân để thắp sáng đèn đường. "Từ chủ trương này đường dây điện dẫn vào khách sạn của tôi bị cắt vỏ 11 vị trí để đấu nối đèn đường công cộng", bà Trinh nói.
Về chuyện này bà yêu cầu xử lý ông Bá về hành vi hủy hoại tài sản nhưng không được chấp nhận. "Công an Mỹ Tho không trưng cầu giám định thiệt hại mà để Phòng Tài chính vật giá xác định phí sửa chữa là 26.000 đồng, rồi thôi. Tôi mới nhờ một đơn vị độc lập giám định, kết quả thiệt hại tài sản là 27,8 triệu đồng. Ông Bá là người phụ trách lĩnh vực này mà nói không liên quan là vô trách nhiệm", bà Trinh nói.
Liên quan đến việc Công an TP Mỹ Tho cho mình phạm tội Chống người thi hành công vụ, bà chủ khách sạn nói rằng trước đó bà đã chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát là dừng xe. Khi cảnh sát yêu cầu tháo băng rôn, bà nói "còn 100 m nữa là đến bãi xe sẽ tháo".
Khi bà đang xuất trình giấy tờ thì có một người mặt thường phục xông vào giật tấm băng rôn. "Theo phản xạ, tôi giật lại nhưng không được vì lúc này có người mặc đồ cảnh sát lấn sát và ngăn tôi lại. Nên tôi có giật vai người đó để giành lại tấm băng rôn với thanh niên lạ mặt kia. Trong lúc tôi xô đẩy và phản ứng lung tung, có trúng vào mặt anh cảnh sát chứ không cố ý đánh", bà Trinh kể.
"Công vụ của người cảnh sát đó đâu phải là giúp sức cho thanh niên kia giật tài sản của tôi. Vì thế, bảo tôi Chống người thi hành công vụ là không đúng", chủ khách sạn nói thêm.
Trước đó, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng bà Trinh căng băng rôn yêu cầu khởi tố cán bộ địa phương có thể hiểu là một kiểu tố cáo, khiếu nại hay tố giác tội phạm. Cách làm này là không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác, Gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, để chứng minh hành vi của bà Trinh là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hay không phải xác định được có hậu quả xảy ra.
Còn việc bà chủ khách sạn bị cho là có dấu hiệu Chống người thi hành công vụ, luật sư cho rằng: "Dù có thông tin bà giật cầu vai của công an và lớn tiếng cự cãi nhưng đây chưa phải là hành vi đe dọa, vũ lực hay thủ đoạn để chống chế mà là phản ứng bình thường không gây khó khăn cản trở nào cho cơ quan chức năng vào thời điểm này".
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Mạch khẳng định bà Trinh không vi phạm pháp luật hình sự mà chỉ vi phạm hành chính.
Cùng quan điểm, một kiểm sát viên lưu ý, người dân nếu có khiếu nại, tố cáo thì cần thực hiện theo đúng các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo quyền công dân của mình. Với các cơ quan chức năng, nên nhanh chóng giải thích cho người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, các hậu quả pháp lý và hướng dẫn họ thực hiện nghiêm túc, không nên hình sự hóa các mối quan hệ hành chính, dân sự.