Hôm nay (7/9), TAND TP Hà Nội đưa 29 bị cáo trong vụ án "Giết người” và "Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ra xét xử.
Liên quan đến vụ án này, chiều 6/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an trả lời báo chí về lý do bố trí lực lượng công an bảo đảm an ninh, trật tự ngay trong đêm.
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, việc triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn không phải là phương án cưỡng chế giải phóng mặt bằng do đến thời điểm lực lượng quân đội thi công xây dựng tường rào, toàn bộ đất khu đất sân bay Miếu Môn không có tranh chấp, 14 hộ dân có đất canh tác trong diện giải phóng mặt bằng ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đã nhận hỗ trợ và di dời khỏi đất quốc phòng.
"Thời điểm triển khai phương án, việc triển khai bố trí lực lượng sớm, ngay từ trong đêm xuất phát từ 2 yêu cầu. Thứ nhất là căn cứ kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, lực lượng công an có trách nhiệm hoàn tất triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự trước 6h ngày 9/1/2019 để các đơn vị của Bộ Quốc phòng xây dựng đoạn tường rào còn lại trên địa bàn xã Đồng Tâm.
Thứ hai là trong tất cả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng công an đều phải triển khai lực lượng, biện pháp 24/24 giờ, cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối tượng bảo vệ, do vậy việc bố trí lực lượng trong đêm là bình thường, đúng quy định của pháp luật liên quan", Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Ngoài ra, thiếu tướng cũng khẳng định, vụ đại án Đồng Tâm là vụ án nghiêm trọng bậc nhất, dư luận trong và ngoài nước quan tâm, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc cho người dân.
Thậm chí, nghiêm trọng hơn, các đối tượng công khai bôi nhọ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Lợi dụng danh nghĩa Đảng viên để xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân đi theo con đường phạm pháp.
"Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương", ông Xô nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, nhóm Lê Đình Kình là một kiểu "cường hào địa chủ mới". Lợi dụng chính những chính sách của pháp luật, của Nhà nước để chống lại Nhà nước.
Lộc (Nguoiduatin.vn)