“Với việc bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt 377 tỷ đồng, bà Châu Thị Thu Nga có thể phải đối mặt với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, Luật sư Phạm Hoài Nam nhận định.
|
Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt giữ vì đã giữ hàng trăm tỷ đồng của người dân bằng dự án "bánh vẽ" chung cư B5 Cầu Diễn. |
Trước đó, trong ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 866 tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga. Như vậy, thủ tục khởi tố bà Châu Thị Thu Nga là đúng quy định của pháp luật.
Trước thông tin về vụ việc này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn, Đoàn luật sư TP CM.
Xin luật sư cho biết, tại sao khi bắt bà Châu Thị Thu Nga lại phải theo quy trình?
Căn cứ theo quy định tại điều 81 Hiến pháp 2013 và điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội 2001 thì: Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đặc biệt là phải có sự đồng ý của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong trường hợp này, vì bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu Quốc hội khóa XIII nên trước khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của bà Nga thì phải tiến hành theo đúng quy trình: có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì thời gian này Quốc hội không họp.
Nếu Cơ quan CSĐT có đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự bà Nga về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội của bà để phục vụ công tác điều tra, truy tố. Ngoài ra việc bãi nhiệm chức danh Đại biểu Quốc hội của bà Nga hay không sẽ được Quốc Hội xem xét và quyết định trong kỳ họp sắp tới.
Luật sư có nhận định như thế nào khi một đại biểu Quốc Hội bị vướng vào vòng lao lý? Điều này có ảnh hưởng gì tới uy tín của Quốc Hội?
Đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, họ là những người trực tiếp thực hiện các quyền lập hiến và lập pháp của Quốc Hội nhưng lại vi phạm pháp luật là một điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, với các đại điểu Quốc hội không chuyên trách họ thường tham gia kinh doanh trong các lĩnh vực và những rủi ro trong môi trường kinh doanh ngoài xã hội khiến họ vướng phải vòng lao lý, trường hợp bà Châu Thị Thu Nga không phải là duy nhất và và cá biệt, trước bà Nga cũng có đại biểu vi phạm pháp luật và bị xử lý, điều đó cho thấy pháp luật không loại trừ bất kỳ ai, không có ai có quyền đứng trên pháp luật cả.
Dưới góc độ xã hội, việc một đại biểu Quốc hội có hành vi vi phạm pháp luật không chỉ làm ảnh hưởng nhất định đến uy tín của Quốc Hội mà còn bôi nhọ tư cách của một người đại biểu đại diện cho nhân dân. Hành vi của bà Nga là đáng lên án và cần có những hình thức xử phạt nghiêm minh để tạo tính răn đe và giữ vững lòng tin của nhân dân vào Quốc Hội.
Với việc bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 377 tỷ đồng thì bà Nga sẽ phải đối mặt với mức phạt như thế nào?
Bà Châu Thị Thu Nga có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hai dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội có giá trị lên đến 377.287.934.482 đồng nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 điều 139 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo Thùy Dung (Đời Sống & Pháp Luật)