Hàng chục ngàn hàng lậu trị giá gần 900 tỷ được "tuồn" qua sân bay Nội Bài thế nào?
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị liên quan
Trong kết luận, Cơ quan CSĐT cho biết, vụ án này được bắt đầu từ đơn tố giác tội phạm.
Cụ thể, căn cứ nội dung đơn tố giác ngày 8/5/2019 về một số sai phạm của Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường cùng ban lãnh đạo, ngày 9/5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Bùi Quang Huy và Công ty Nhật Cường.
Tại các điểm này, cơ quan công an đã thu giữ 1.937 sản phẩm hàng hóa các loại cùng nhiều tài liệu liên quan.
Đáng chú ý, vụ án xuất phát từ đơn tố giác và khám xét khẩn cấp, nhưng Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, hiện chưa bắt được.
KLĐT xác định, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, Nhật Cường đã bán hơn 250.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn hơn 2.927 tỷ đồng của 16 chủ cửa hàng có địa chỉ ở Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72,9 tỷ đồng để vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối.
Thông qua hệ thống phân phối của mình, Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm nhập lậu, thu được tổng số tiền hơn 3.213 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 221 tỷ đồng.
Tài liệu điều tra xác định Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu từ Hồng Kông về Việt Nam.
Về việc vận chuyển được Huy giao cho Công ty Nhật Cường Quảng Châu (ở Trung Quốc) phụ trách.
Điện thoại, hàng điện tử được chuyển từ Hồng Kông (Trung Quốc) về Quảng Châu (Trung Quốc) và từ đó tập kết tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc để nhập cảnh trái phép rồi đưa về kho của Công ty Nhật Cường tại số 39, phố Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ngoài ra, có số hàng lậu trị giá 307 tỷ đồng được chuyển trực tiếp từ Hồng Kông về cảng Hải Phòng trước khi được giao tới tay Bùi Quang Huy ở Hà Nội.
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, Bùi Quang Huy thuê 3 đường dây để đưa hàng lậu qua sân bay Nội Bài gồm SH, SRV, Chị Yên HP.
Theo đó, 3 nhóm này do bị can Nguyễn Bảo Trung (SH), Đoàn Mạnh Phong (SRV) và người tên Yến (chưa rõ thông tin, lai lịch) cầm đầu.
Từ T1/2016 - T11/2017, đường dây của Nguyễn Bảo Trung dùng thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan, vận chuyển trót lọt hơn 40.000 sản phẩm (trị giá gần 550 tỷ đồng) từ Hồng Kông về Việt Nam qua Sân bay Nội Bài.
Sau phi vụ, Trung được Bùi Quang Huy và đồng phạm thanh toán gần 14 tỷ đồng phí vận chuyển.
Từ cuối năm 2017 - T9/2018, đường dây do Yến cầm đầu cùng Đoàn Mạnh Phong và đồng phạm đã trái pháp luật 183 đơn hàng, với gần 17.000 sản phẩm (trị giá hơn 307 tỷ đồng) của nhà cung cấp tại Hồng Kông để gửi về Việt Nam theo đường hàng không qua sân bay Nội Bài.
Khi hàng về đến sân bay Nội Bài, nhóm của Đoàn Mạnh Phong dùng thủ đoạn lập công ty "ma" để lấy pháp nhân khai báo hải quan bằng mặt hàng khác.
Sau đó, nhóm này mở tờ khai hải quan để nhận hàng lậu từ sân bay đưa về trung tâm Hà Nội giao cho Huy và đồng phạm. Sau khi nhận hàng, Huy trả phí vận chuyển cho 2 đường dây này với số tiền hơn 7,9 tỷ đồng.
Anh trai ông chủ Nhật Cường là ai?
Theo kết luận điều tra, Bùi Quốc Việt (SN 1970) khai làm việc tại Công ty Nhật Cường từ năm 2009 đến tháng 5/2019.
Do Việt là anh trai của Bùi Quang Huy nên Việt đến Cty Nhật Cường làm việc mang tính gia đình, không chịu sự quản lý hành chính của bộ phận nào.
Quá trình làm việc tại Công ty Nhật Cường, Bùi Quốc Việt thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày Việt đi lấy tiền tại các cửa hàng mang về giao cho thủ quỹ Công ty Nhật Cường hoặc mang nộp vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của Nguyễn Bảo Ngọc.
Khi Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) bận, không đi lấy được hàng do các đối tượng vận chuyển giao, Việt đã đi nhận hàng thay từ một số đối tượng mang giao tại địa bàn Hà Nội đưa về kho Công ty Nhật Cường tại số 39, phố Lý Quốc Sư.
Từ năm 2017 đến tháng 5/2019, đã 8 lần Lư nhờ Việt đi nhận hàng, nhưng Việt nhớ đã đi nhận giúp 4 lần, gồm: 3 lần nhận của Nguyễn Xuân Lợi vào ngày 17/4/2018, 11/9/2018, 8/12/2018 và nhận 1 lần của người có số điện thoại 0946.117... (Đỗ Văn Dũng) tại đường Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) vào ngày 16/3/2019.
"Việt khai không biết hàng hóa mình nhận là hàng gì. Còn 4 lần vào ngày 18/4/2017, 2/8/2017, 13/11/2017, Việt không nhớ có đi hay không. Việt biết việc đi nhận hàng cho Bùi Quang Huy trong khi hàng hóa không có giấy tờ là vi phạm pháp luật", kết luận điều tra cho biết.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, bị can Bùi Quốc Việt (anh ruột của Bùi Quang Huy) được Huy giao nhiệm vụ đi thu tiền bán hàng (gồm cả tiền bán hàng lậu) của các cửa hàng bán lẻ thuộc Công ty Nhật Cường đưa về nhập quỹ hoặc nộp tiền vào các tài khoản theo chỉ đạo của Nguyễn Bảo Ngọc.
Ngoài ra, Bùi Quốc Việt còn trực tiếp nhận hàng hóa là điện thoại di động, Ipad... từ các đường dây vận chuyển hàng lậu do Bùi Quang Huy thuê, giao về kho của Công ty Nhật Cường (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bùi Quốc Việt không thừa nhận biết Bùi Quang Huy buôn lậu, không biết hàng hóa mình nhận là điện thoại di động, máy tính bảng nhập lậu.
Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại di động Nông Văn Lư, tài liệu xác minh tại Tổng Công ty MobiFone và lời khai của Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Nông Văn Lư, Trần Thu Hiền, Cơ quan cảnh sát điều tra đủ cơ sở kết luận Bùi Quốc Việt thực hiện hành vi phạm tội trên.
Hành vi của Bùi Quốc Việt phạm vào tội "Buôn lậu", quy định theo khoản 4, điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), với vai trò đồng phạm giúp sức để Bùi Quang Huy buôn lậu 1.475 điện thoại di động, 49 chiếc iPad, tổng giá trị hơn 7,4 tỷ đồng, thu lời bất chính gần 960 triệu đồng.
Trước đó, bị can Bùi Quốc Việt bị bắt tạm giam ngày 10/7/2020, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an.