Ai tiếp tay làm giả bệnh án tâm thần để nghi phạm đi điều trị, trốn tội?

06/06/2021 08:07:44

Những trường hợp làm giả bệnh án tâm thần nhằm tránh truy tố của cơ quan chức năng đã và đang xảy ra gây bức xúc trong xã hội, nhất là khi có sự tiếp tay của một số cán bộ y tế.

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc gây bức xúc dư luận liên quan đến các trường hợp đang trong thời gian điều trị tâm thần đã gây ra những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Có hay không việc lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tránh pháp luật?

Ai tiếp tay làm giả bệnh án tâm thần để nghi phạm đi điều trị, trốn tội?
Đối tượng Nguyễn Xuân Quý cầm đầu băng nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Vụ việc một bệnh nhân tâm thần ở động bay lắc, mua bán trái phép chất ma túy, thậm chí mời cả gái dịch vụ vào phòng điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I vừa lắng xuống thì mới đây, Công an TP Hà Nội lại phát hiện một đối tượng có bệnh án tâm thần nhưng vẫn điều hành đường dây bảo kê tín dụng đen. Đối tượng là Nguyễn Việt Dũng, 39 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngành y không công tâm, khó chặn được bệnh án tâm thần giả

Cuối tháng 5 vừa qua, Dũng cùng 6 nghi phạm khác bị Công an Hà Nội bắt giữ. Theo cơ quan điều tra, Dũng là bị can trong một vụ án giết người xảy ra tại quận Cầu Giấy từ năm 2011. Sau khi gây án, Dũng bỏ trốn, sau đó đối tượng làm bệnh án tâm thần rồi ra đầu thú. Nhờ bệnh án này, Dũng “được” áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Tuy nhiên, thời gian này, Dũng vẫn ra ngoài xã hội chỉ đạo, điều hành hàng chục đàn em thực hiện hành vi bảo kê bến bãi, cho vay nặng lãi.

Nguyễn Việt Dũng (hàng trên ở giữa) cùng các đàn em
Nguyễn Việt Dũng (hàng trên ở giữa) cùng các đàn em

Người đang điều trị tâm thần mua bán trái phép chất ma túy, biến buồng bệnh thành “động” ma túy. Người có bệnh án tâm thần là trùm bảo kê bến bãi, trùm tín dụng đen. Thực tế này khiến dư luận bức xúc.

Theo ông Nguyễn Trọng An (quận Đống Đa, Hà Nội), qua sự việc này cho thấy, việc kiểm soát lỏng lẻo tại các bệnh viện tâm thần đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ông An mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật hãy nghiêm túc; ngành y tế cần rà soát, xem xét lại tất cả những ai lợi dụng danh nghĩa cán bộ y tế nhưng lại thao túng hay có những hành vi như vậy để đưa ra trước pháp luật. Có vậy, người dân mới tin tưởng vào chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tội phạm giả điên không còn là chuyện hy hữu. Bệnh án tâm thần đã trở thành tấm bình phong để nhiều đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự. Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy đã làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nghi phạm sử dụng các loại ma túy tổng hợp có thể xuất hiện ảo giác, loạn thần, có biểu hiện giống tâm thần. Trong khi nếu có kết luận đối tượng bị tâm thần thì cơ quan công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Thượng tá Nguyễn Quang Hiền. 
Thượng tá Nguyễn Quang Hiền.

Thượng tá Nguyễn Quang Hiền cũng cho rằng, do chưa có những quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc, nên nếu có sự tiếp tay của các bác sĩ, bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài. Ngoài điều trị nội trú, bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, rất khó kiểm soát.

Những trường hợp làm giả bệnh án tâm thần nhằm tránh truy tố của cơ quan chức năng đã và đang xảy ra gây bức xúc trong xã hội, nhất là khi có sự tiếp tay của một số cán bộ y tế.

Theo chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn, hành vi của các đối tượng là nhân viên, cán bộ y tế làm giả bệnh án tâm thần không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi bao che, tạo điều kiện để đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành.

“Những đối tượng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh pháp luật, che giấu hành vi phạm tội, sau đó chúng tiếp tục gây án manh động hơn, phức tạp, trắng trợn hơn, hậu quả để lại nghiêm trọng hơn so với những đối tượng không có loại “bùa hộ mệnh” này. Bên cạnh đó, hành vi của chúng còn tác động đến nhiều người, kéo họ trở thành tội phạm. Chẳng hạn như đối tượng tiếp tay hành vi làm giả hồ sơ, là chủ thể của một tội phạm khác. Như vậy, tính nghiêm minh của luật pháp không được giữ vững, trật tự, kỷ cương xã hội bị xâm hại và suy giảm lòng tin của người dân, tạo bức xúc trong dư luận xã hội.

Để xử lý loại tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần nhằm thoát khung hình phạt cao nhất, trì hoãn, né tránh việc thi hành án, hoặc để được miễn trách nhiệm hình sự, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cần sự công tâm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần, bởi kết luận giám định pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Và việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của Hội đồng giám định pháp y.

Chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn
Chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn

Nhiều bác sĩ bất chấp đạo đức nghề nghiệp tạo ra những bệnh án tâm thần giả

Giả tâm thần để được đưa đi điều trị nhằm trốn tội, trốn tránh cơ quan điều tra, là thủ đoạn tội phạm hay sử dụng. Những người làm công tác giám định pháp y tâm thần nếu không giữ vững bản lĩnh, bị tội phạm mua chuộc, làm sai lệch hồ sơ bệnh án, để tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tránh xử lý của pháp luật sẽ gây hậu quả rất lớn cho xã hội.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi làm giả bệnh án tâm thần, theo quy định của pháp luật hình sự, có dấu hiệu vi phạm vào nhóm tội liên quan việc làm giả giấy tờ tài liệu, như tội giả mạo trong công tác và tội làm giả con dấu, tài liệu; sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cụ thể, nếu trong quá trình điều tra xác minh, phát hiện bệnh viện hay những cá nhân có chức năng nhiệm vụ trong bệnh viện tâm thần, không qua khám và điều trị mà xác nhận sai cho những đối tượng không có biểu hiện tâm thần “bị” tâm thần, để cấp bệnh án tâm thần, thì những người này thỏa mãn các điều kiện về hành vi giả mạo trong công tác với khung hình phạt nhẹ nhất là từ 1-5 năm tù, nặng nhất là từ 12-20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm làm công việc nhất định trong 1-5 năm hoặc chịu hình phạt bổ sung 10-100 triệu đồng đối với tội này.

Đối với người sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan nhà nước, ở đây chính là những người xin cấp bệnh án tâm thần giả, họ có dấu hiệu phạm tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, có thể chịu mức phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hay phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Trong trường hợp làm hoặc sử dụng, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hay sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ khác để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị xử lý đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 5 triệu-50 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, tình trạng tạo bệnh án tâm thần giả mặc dù đã bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhưng vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây, tất cả là đều xoay quanh yếu tố vụ lợi. Đối với những đối tượng làm giả bệnh án tâm thần, rõ ràng họ có mong muốn đạt lợi ích vật chất, nên bất chấp đạo đức nghề nghiệp để tạo ra những bệnh án tâm thần giả. Còn đối tượng phạm tội, bệnh án tâm thần như là cứu cánh với họ, do vậy sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua được nó. Ngoài ra, cũng có thể có lý do từ chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với bệnh nhân tâm thần./.

Theo PV (VOV.vn)

Nổi bật