Cơ quan điều tra Bộ Công an đang làm rõ nghi vấn nhiều cán bộ hải quan tiếp tay “hô biến” 213 container hàng điện tử quá cảnh đứng tên 56 doanh nghiệp.
Qua kiểm tra chiếc container 40 feet này, công an ghi nhận bên trong là hàng điện tử đã qua sử dụng (máy giặt, máy lạnh, thùng loa..) nhập từ Nhật. Đây là các mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Nghi vấn buôn lậu được hải quan giúp sức
Theo công an, container nêu trên là một trong hơn 200 container nhập từ tháng 4/2015 đến tháng 2/2016, quá cảnh cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia.
Trước đó, tháng 11/2016, Tổng cục Hải quan đã nắm được thông tin 213 container “biến mất” nên đã lập đoàn kiểm tra, chỉ đạo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu cán bộ liên quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (CCHQ KV1) tường trình vụ việc.
Đến cuối tháng 3/2017, đoàn kiểm tra Tổng cục Hải quan xác định hàng loạt cán bộ, công chức hải quan CCHQ KV1 làm thủ tục cho các lô hàng quá cảnh trên không đúng quy định hoặc được giao thực hiện các bước nghiệp vụ theo quy trình trong thời gian các lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ.
Theo quy định về hàng quá cảnh, cơ quan hải quan sẽ theo dõi thông tin xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi (BOA) và hệ thống xác nhận hàng hóa đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đến (BIA). Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan phát hiện 213 container khi ra khỏi khu vực giám sát có nhiều dấu hiệu cho thấy có cán bộ hải quan đã can thiệp vào hệ thống điện tử để xóa BOA.
Một số cán bộ CCHQ KV1 không theo dõi tình trạng vận chuyển và không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích; hủy bộ hồ sơ vận chuyển độc lập, can thiệp vào hệ thống, xóa BOA... Hậu quả là các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định 213 container hàng nói trên đã đi đâu.
Công an đang làm rõ 213 container tại cảng Cát Lái mất tích bí ẩn. |
Khả năng đã bán trong nội địa
Một lãnh đạo cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết khi hàng đã làm thủ tục BOA nhưng chưa có BIA thì khả năng hàng quá cảnh chưa tới Campuchia. Cách khác, số hàng này có thể đã lưu thông ở thị trường trong nước. Bản chất của vụ việc là buôn lậu và không loại trừ các cán bộ hải quan tiếp tay.
Ngày 6/8, ông Vũ Việt Tiến, Chi cục trưởng CCHQ KV1, nói: “Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, cán bộ có liên quan thế nào thì cơ quan điều tra xác minh, xử lý. Tôi chưa thể trả lời gì được”.
Còn ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, cho biết: “Tổng cục Hải quan chủ động phát hiện vụ việc, sau đó phối hợp với C46 để làm rõ. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra”.
Ông Cường cũng thông tin Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM và CCHQ KV1 rà soát những công chức đã thực hiện thông quan 213 container trên, đồng thời yêu cầu các cán bộ, công chức đã chuyển đi chi cục khác về thực hiện truy tìm những tờ khai đã được phân công nhưng chưa thực hiện lệnh BOA.
CCHQ KV1 đã thành lập tổ triển khai xử lý đối với tờ khai vận chuyển độc lập xác minh 56 doanh nghiệp còn hoạt động hay không; xác minh hãng tàu, cơ quan kinh doanh cảng… liên quan đến 213 container.
“Đối với trường hợp 213 container có can thiệp vào hệ thống để xóa BOA, công chức hải quan cũng đã có giải trình, Cục Hải quan cũng đã có văn bản báo cáo, đề nghị Cục Công nghệ thông tin xác định thời điểm mà công chức xóa BOA để làm rõ trách nhiệm xử lý” - ông Cường nói.
Vụ việc cơ quan điều tra Bộ Công an đang làm rõ, Tổng cục và Cục Hải quan TP.HCM sẽ phối hợp tích cực để làm sáng tỏ vụ việc, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Qua vụ việc trên cho thấy những sơ hở trong công tác quản lý dẫn đến doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong hàng quá cảnh để buôn lậu.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM.
Theo Nguyễn Đức (Pháp Luật TPHCM)