Liên quan tới vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa “chung cư mini” ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, làm 56 người tử vong và 37 người bị thương, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979; hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy), về hành vi "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.
Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tiếp tục, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.
Lúc này, câu hỏi được nhiều người quan tâm là khi cháy "chung cư mini" thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân?
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân khi cháy "chung cư mini" được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư nếu nguyên nhân cháy xuất phát từ hệ thống điện.
Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 313, với khung hình phạt tù từ 6 - 12 năm tù giam.
Ngoài xử lý hình sự, chủ đầu tư cùng những người có liên quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tài sản đã mất, chi phí chăm sóc sức khỏe người bị nạn, chi phí mai táng....
Cũng theo luật sư Cường, vụ hỏa hoạn xảy ra cho thấy có “sự buông lỏng quản lý” của chính quyền sở tại. Do đó, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét đến việc cấp phép xây dựng, vấn đề quản lý trật tự xây dựng ở trên địa bàn tại thời điểm công trình thi công. Bởi, theo giấy phép xây dựng, ngôi nhà được cấp phép xây dựng 6 tầng; chiều cao cho phép của công trình không quá 20,2m. Song trên thực tế, chủ đã cho xây lên 9 tầng và 1 tầng tum.
“Phải làm rõ để công trình xây vượt quá giấy phép như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không… Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về trật tự xây dựng có biết về hành vi xây dựng sai phép, đã xử lý hay chưa, hình thức xử lý như thế nào, vì sao không buộc tháo dỡ công trình vi phạm hay dung túng cho hành vi sai phạm?...”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Biên Thùy (SHTT)