Các bị cáo tại phiên tòa. |
Dự án Thủy điện Sông Bung 2 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nay ủy nhiệm lại cho Tổng Cty điện 2 (là đơn vị trực thuộc EVN) làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 3.660 tỷ đồng. Trong đó kinh phí đền bù giải tỏa khoảng 22 tỷ đồng.
Tháng 5/2009, BQL dự án Thủy điện Sông Bung 2 được thành lập do ông Nguyễn Sơn làm trưởng ban. Ban này thay mặt chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Để triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 2, BQL dự án hợp đồng và giao cho TT Kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở TNMT tỉnh Quảng Nam) thực hiện tư vấn, đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính phục vụ điều tra thiệt hại và xin cấp đất vùng lòng hồ Thủy điện Sông Bung 2. TT Kỹ thuật tài nguyên – môi trường giao cho đội sản xuất số 2 do Phan Tấn Nghĩa làm đội trưởng thực hiện.
Phan Tấn Nghĩa phân công Phan Tấn Thịnh, Trương Hoành, Nguyễn Đức Tuấn, Hứa Tấn Sỹ và Đinh Công Nhân là nhân viên hợp đồng dài hạn của Trung tâm tiến hành đo đạc lập hồ sơ giải thửa diện tích đất bị ảnh hưởng thuộc địa bàn xã La Ê và Chơ Chun (Nam Giang). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhóm cán bộ này không thực hiện đúng quy định mà gặp anh em Huỳnh Giao và Huỳnh Văn Hải (cùng trú tại Đại Hồng, Đại Lộc) có Cty TNHH Tấn Hùng (tại xã La Ê) để lập hồ sơ khống diện tích đất lòng hồ khống cho anh em Giao và Hải.
Vì hai người này không phải là người địa phương nên nhóm cán bộ này với Giao và Hải phải đưa những người dân ở 2 xã La Ê và Chơ Chun đứng tên. Sau đó, Giao dẫn nhóm cán bộ vào đo đạc, bấm tọa độ khu vực dọc hai bờ sông Bung, phía trên đập chính thủy điện này.
Trong khi đó, để kê khống diện tích đất lòng hồ, Giao và Hải cấu kết với Zơ Râm Pết là Phó chủ tịch UBND xã Chơ Chun để thu hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người dân 2 xã La ê và Chơ Chun để lập 52 hồ sơ đền bù rồi hợp thức hóa giấy tờ để người dân ký nhận. Cuối năm 2012, sự việc được phát giác, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Nam, từ tháng 3/2010 đến tháng 10/2012 nhóm cán bộ của TT Kỹ thuật tài nguyên – môi trường nói trên trên đã thực hiện việc đo đạc, giải thửa không đúng quy định để 52 hộ dân thuộc 2 xã La Ê và Chơ Chun được nhận tiền đền bù hỗ trợ của Tập đoàn điện lực Việt Nam với tổng số tiền hơn 11,7 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện xong đo đạc, giải thửa cho 52 hộ, nhóm cán bộ này đã nhận của Giao 80 triệu đồng và Hải 40 triệu đồng. Trong đó, Tuấn nhận 55 triệu đồng, Hoành nhận 35 triệu đồng, Thịnh và Sỹ mỗi người nhận 14 triệu đồng, Nhân nhận 2 triệu đồng. Riêng Hải, Giao và Pết sau khi kê khống và hợp thức hóa hồ sơ, đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tiền đền bù. Cụ thể Giao chiếm hơn 2,1 tỷ đồng, Hải chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng, Pết chiếm đoạt 500 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác Hợp và Dũng được phân công kiểm kê biên bản xác định khối lượng tài sản có trên đất để áp giá đền bù bồi thường, đã lập 52 biên bản kê không gây thiệt hại cho chủ dự án số tiền tổng cộng hơn 8,1 tỷ đồng. Nghĩa là đội trưởng khi phân công nhân viên thuộc quyền quản lý thực hiện việc đo đạc lấy số liệu đã không quản lý chặt chẽ để họ nhận hối lộ, không đúng quy định nhưng không kiểm tra thực tế dẫn đến việc lập hồ sơ giải thừa cho 52 hộ dân không đúng gây thiệt hại cho dự án về đền bù đất hơn 10 tỷ đồng.
Dựa vào kết quả của cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Quảng Nam đã truy tố Hải phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “đưa hối lộ”; Pết phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Tuấn, Hoành, Thinh, Sỹ phạm tội “Nhận hối lộ”; Hợp và Dũng phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Nghĩa phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo các điều 165, 139, 279,289,285 của Bộ luật hình sự.
Riêng đối tượng Huỳnh Giao sau khi xảy ra đã bỏ trốn khỏi địa phương, hiện cơ quan chức năng đang truy nã đối tượng này.
Theo N.Thành (Tiền Phong)