Ngày 28/5, theo lịch, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM), Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM).
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Võ Anh Tuấn và đơn kháng cáo của 5 nguyên đơn dân sự bao gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Lộc và Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên.
5 công ty đòi Vietinbank bồi thường
Trong đơn kháng cáo, 5 nguyên đơn dân sự cho rằng Vietinbank có lỗi trong công tác quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên của mình, buông lỏng công tác kiểm tra kiểm sát để Huyền Như và đồng phạm có hành vi phạm tội, gây thiệt hại trực tiếp đến khách hàng.
Do vậy, bản án sơ thẩm chỉ buộc Huyền Như bồi thường mà không buộc Vietinbank chịu trách nhiệm liên đới đối với bị cáo là không phù hợp với các chứng cứ và tình tiết khách quan của vụ án, không phù hợp với các quy định của luật pháp hiện hành, làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các nguyên đơn dân sự.
Từ đó, các nguyên đơn dân sự đề nghị cấp phúc thẩm buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 5 nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Trước đó, vào ngày 9/2, TAND TP.HCM đã tuyên Huyền Như án tù chung thân; bị cáo Võ Anh Tuấn 7 năm tù. Toà cũng buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các công ty tổng cộng 1.085 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cho rằng các nguyên đơn dân sự gửi tiền nhưng đã bỏ mặc cho Như chiếm đoạt nên phải chịu trách nhiệm về sai sót do lỗi của mình. Các nguyên đơn dân sự đã cùng với Như tạo lập các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng tiền gửi nên đã vi phạm bộ luật dân sự về hợp đồng giao dịch.
Do vậy, căn cứ vào Bộ luật hình sự, do Như bị truy tố về tội Lừa đảo nên Như phải có trách nhiệm hoàn trả cho 5 công ty về số tiền đã chiếm đoạt.
Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ như thế nào?
Theo cáo trạng, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Như không còn khả năng thanh toán. Từ ngày 1/9/2001 đến 24/6/2010, Như là cán bộ của Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM, đến ngày 25/6/2010, Huỳnh Thị Huyền Như được bổ nhiệm là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TP.HCM.
Để có tiền trả nợ cá nhân, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Ngân hàng Vietinbank đã trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của 5 công ty nêu trên về việc nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định.
Như hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới (lãi suất theo quy định do Vietinbank trả, còn tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới do Như trả bằng tiền cá nhân).
Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Như.
Với thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt được 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Trong đó, Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên, 170 tỷ đồng của Công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông, 124 tỷ đồng của Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, 209,9 tỷ đồng của Công ty SBBS.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)