4.000 tỷ đồng phải thu hồi từ các vụ án ở Đà Nẵng

23/11/2018 07:58:23

Tài sản thi hành án trong vụ Phạm Công Danh là sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng đang gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Chiều 22/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã công bố kế hoạch kiểm tra thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Đà Nẵng từ tháng 1/2013 đến hết tháng 9/2018.

Trong 5 năm qua, tổng số tài sản cơ quan chức năng ở Đà Nẵng phải thu hồi là hơn 46,7 tỷ đồng, nhưng hiện mới thu hồi hơn 7,6 tỷ đồng. Số tiền có điều kiện thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là gần 4.000 tỷ đồng, trong đó đó đã thi hành án được một phần.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc không có điều kiện thi hành, chưa giải quyết dứt điểm. Nổi cộm nhất là khó khăn trong quá trình thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh.

4.000 tỷ đồng phải thu hồi từ các vụ án ở Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại buổi làm việc ngày 22/11. Ảnh: Ngọc Trường.

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho biết vụ án Phạm Công Danh đang được dư luận rất quan tâm. "Số tiền phải thu hồi ở thành phố Đà Nẵng rất lớn, 4.000 tỷ đồng, trong khi tài sản phải xử lý để thi hành án là Dự án phức hợp dịch vụ cao tầng Sân vận động Chi Lăng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý chưa được giải quyết", ông nói.

Phó thủ tướng đánh giá, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đã có báo cáo chi tiết về tài sản thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, cung cấp cho Đoàn kiểm tra nhiều thông tin để tiếp tục làm việc với Bộ Công an, Toà án và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

"Tôi sẽ nghe báo cáo riêng một buổi về sự việc này", Phó thủ tướng nói và đề nghị Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng tổng hợp đầy đủ, cụ thể những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị của thành phố với vụ án Phạm Công Danh để Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham những và Chính phủ chỉ đạo.

4.000 tỷ đồng phải thu hồi từ các vụ án ở Đà Nẵng - 1
Sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản thi hành án sau khi ông Phạm Công Danh bị bắt. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo Phó thủ tướng, đặc thù của án tham nhũng, kinh tế là "truy xét", do đó đòi hỏi phải có thời gian xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố lâu. Tuy nhiên, quyết định của Bộ Luật tố tụng hình sự về các hoạt động kê biên, phong toả tài khoản còn bất cập, như phải chờ kết quả giám định, phải tương ứng với tài sản bị chiếm đoạt, chỉ được tiến hành sau khi khới tố vụ án,... dẫn đến nguy cơ cao để tội phạm có thời gian tẩu tán tài sản, gây khó khăn trong thu hồi tài sản.

Do thời gian làm việc không nhiều, Phó thủ tướng đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng sớm hoàn thiện báo cáo tự kiểm tra, đưa ra những đề xuất giải quyết những khó khăn gửi đoàn kiểm tra trước ngày 30/11.

Sân vận động Chi Lăng vốn là công trình gắn liền với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng. Một thời, đây là "chảo lửa" tạo khí thế cho đội bóng sông Hàn giành thứ hạng cao trong làng bóng đá nước nhà.

Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã giao sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh để làm dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ. Chính quyền hoàn tất thủ tục chuyển nhượng gần 6 ha đất một năm sau đó, thu về ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng. Giá đất được tính là 24,3 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư sau đó đã "xẻ thịt" sân vận động thành 14 dự án để thế chấp ngân hàng.

Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt vì nhiều tội. Sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án. Tháng 8/2018, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ có văn bản giao các sở Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng tìm phương án thu hồi sân vận động phục vụ mục đích chung của thành phố. Đà Nẵng đã tính đến việc sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp, kèm lãi suất.

Theo Nguyễn Đông (VnExpress.net)

Nổi bật