Ngày 11-5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ án “bảo kê logo xe vua”. Bảy bị cáo, trong đó nhiều người từng là cán bộ thuộc các đội thanh tra giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, bị truy tố về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Lộ đường dây “logo xe vua” từ đơn tố giác
Tháng 8-2018, Công an TP Hà Nội nhận được tố giác về việc Công ty Vận tải Tuấn Vinh bảo kê xe tải, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng mỗi tháng. Công ty này ép doanh nghiệp phải dán logo của mình để không bị cơ quan chức năng xử lý. Xe nào không chịu dán logo sẽ thường xuyên bị kiểm tra tải trọng, lập biên bản...
Hoạt động bảo kê kéo dài nhiều năm, chèn ép các doanh nghiệp khác, thậm chí có sự tiếp tay của lực lượng thanh tra và CSGT TP Hà Nội.
Vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Nội làm rõ đường dây “logo xe vua” do Nguyễn Ánh Hào (trú tại Hà Nội), Lê Văn Cường (cựu cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6) và Phạm Văn Vinh (tổng giám đốc Công ty Vận tải Tuấn Vinh) đứng ra tổ chức, được sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ thanh tra giao thông.
Khai trước tòa, Hào cho biết mình và Cường là hai người khởi xướng việc thiết kế “logo xe vua” để bảo kê cho các xe tải không bị xử phạt hoặc chuyển lỗi vi phạm nặng thành lỗi nhẹ hơn.
Theo phân công, Hào và Vinh đi mời chào các chủ xe đóng tiền (3-4 triệu đồng/xe/tháng) để dán logo. Tiền mà chủ xe nộp sẽ được chuyển vào tài khoản của vợ Hào hoặc cha vợ Hào. Tiếp đó, Hào rút tiền để đi “quan hệ”.
“Khi đưa tiền, bị cáo nói nhờ các anh tạo điều kiện giúp đỡ. Xe nào vi phạm thì bị cáo sẽ gọi điện cho cán bộ trong tổ công tác để xin” - bị cáo Hào trình bày.
Trả lời tòa, cựu cán bộ quản lý đường bộ Lê Văn Cường thừa nhận biết Hào và Vinh thu tiền từ các chủ xe sau đó chi cho cán bộ. Cường không trực tiếp tham gia việc này nhưng được chia tiền hằng tháng từ việc bảo kê cho các xe tải dán “logo xe vua”.
Tòa hỏi Cường có thấy việc làm của Hào và Vinh trái pháp luật không. Cúi đầu trước bục khai báo, Cường thừa nhận có biết.
Cáo trạng xác định từ tháng 6-2016 đến tháng 10-2018, Hào và Vinh nhận tiền bảo kê cho khoảng 140 xe tải các loại, thu được hơn 6,2 tỉ đồng để đi hối lộ. Qua đó, Hào hưởng lợi 250 triệu đồng, Cường 180 triệu đồng và Vinh 140 triệu đồng.
Nhận cả trăm triệu nhưng chỉ là “tiền trà nước”
Theo lời khai của Hào và Vinh, sau khi nhận tiền từ các chủ xe, hai bị cáo chia nhau đi đưa tiền cho cán bộ thuộc các đội thanh tra hoặc CSGT trên địa bàn Hà Nội, với số tiền từ 1,5 triệu đến 60 triệu đồng/người. Những lần đưa tiền, Hào đều ghi rõ người nhận, số tiền, số lần…
Cơ quan điều tra triệu tập hơn 90 người được cho là nhận tiền nhưng chỉ có thể kết luận bốn người nhận hối lộ là Lê Bá Dũng (cựu cán bộ Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai), Trần Sỹ Cương (cựu cán bộ Đội Thanh tra cơ động, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội), Nguyễn Quốc Cương (cựu cán bộ Đội Thanh tra GTVT quận Hai Bà Trưng) và Hoàng Văn Lân (cựu cán bộ Đội Thanh tra GTVT huyện Phú Xuyên).
Tại tòa, Hào khai hẹn cán bộ ở ngoài đường hoặc cơ quan để đưa tiền. Hào không rõ họ có đưa về đội của mình để chia hay không.
“Hiệu quả 50/50, có tháng suôn sẻ, có tháng thì bị lập biên bản khá nhiều” - Hào trả lời đại diện VKS khi được hỏi đưa tiền rồi có bảo đảm không bị xử phạt.
Đáng chú ý, chủ tọa nhiều lần hỏi danh tính những người nhận tiền. Hào khai không thể nhớ hết nhưng chắc chắn có đưa tiền cho Lân, Quốc Cương và ít nhất hơn 10 người khác.
Bốn bị cáo nhóm tội nhận hối lộ đều thừa nhận được Hào hoặc Vinh đưa tiền để nhờ giúp đỡ cho các xe tải được lưu thông thuận lợi.
Trong đó, Lê Bá Dũng nhận từ Vinh 96 triệu đồng. Dũng khai lúc Vinh đưa tiền, bị cáo nói mình chỉ là nhân viên hỗ trợ tổ xử lý vi phạm, không trực tiếp can thiệp được nhưng Vinh bảo cứ nhận giúp, “đây chỉ là tiền thuốc nước, không liên quan gì”.
Dũng cũng khai được Vinh đưa tiền khoảng 11-12 lần, Dũng không chia cho ai trong đội xử lý.
Tương tự, Hoàng Văn Lân nhận của Hào 11 triệu đồng và một chai rượu vì khi đưa tiền Hào nói đây là “tiền thuốc nước” muốn biếu đội, nhờ Lân mua giúp.
“Bị cáo nghĩ đơn giản ngày lễ Hào biếu cây đào, cây quất nên mới nhận để mua giúp. Thực tế, số tiền bị cáo nhận chỉ có 11 triệu đồng, bị cáo đều mua cho đội xử lý, không sử dụng riêng đồng nào” - Lân khai.
Trong khi đó, Trần Sỹ Cương bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất, với 136 triệu đồng. Nếu gặp xe có logo của Công ty Tuấn Vinh, Cương sẽ không kiểm tra, nếu kiểm tra sẽ lập biên bản lỗi nhẹ hơn hoặc nhận là xe của người nhà để xin giúp.
“Bị cáo nhận tiền nhưng không chia cho ai. Khi xe bị giữ, lái xe sẽ gọi, bị cáo gọi cho thành viên trong tổ công tác để tác động” - Cương khai với HĐXX và nói thực tế đã có một vài lần giúp như vậy.
Sáng nay (12-5), tòa tiếp tục làm việc.
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)