Giọt nước mắt vui mừng của sự đoàn tụ xen lẫn sự tủi nhục, đắng cay khi nghĩ đến quãng thời gian đằng đẵng nơi xứ người, bị ép lấy một người xa lạ.
Đẫm nước mắt nơi xứ người
Những ngày áp Tết, tại gia đình con trai cả của bà Chiều ở thôn Tân Lập, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) luôn có nhiều người hàng xóm đến hỏi thăm, động viên khi biết bà Chiều vừa từ Trung Quốc trở về quê hương sau 28 năm bị lừa bán. Ngồi chuyện trò, bà liên tục khóc, có lúc nấc lên không thể kìm lòng khi nghĩ lại quãng thời gian đằng đẵng tủi hờn nơi đất khách.
Kể lại cuộc đời mình, bà Chiều cho biết, bà lấy chồng là ông Phạm Văn Bảy (SN 1963) ở thôn Tân Lập và sinh được 2 con trai. Năm 1984, ông Bảy đi lấy gỗ trong rừng không may bị ngã, gỗ đè lên người tử vong. Khi ấy, con trai đầu là Phạm Xuân Định chưa đầy 2 tuổi, con thứ hai vẫn còn trong bụng mẹ. Bà Chiều ở vậy nuôi hai con cho đến năm 1994 thì xảy ra biến cố.
Bà nhớ lại, ngày ấy chỉ còn ba tháng nữa là Tết Nguyên đán, bà được anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1974) ở xóm Đông Kênh, xã Đông Sơn (Yên Thế) là cháu gọi bà bằng mợ sang nhà hỏi có muốn đi làm không, cháu đưa lên Lạng Sơn chặt mía thuê lấy tiền, gần Tết thì về. Cùng đi còn có chị Nguyễn Thị Hiên (SN 1973) là hàng xóm với Thắng. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bà đồng ý đi, mong kiếm được chút tiền tiêu Tết.
Khoảng 5 giờ sáng 9/11/1994, Thắng và Hiên đến nhà đón bà đi bộ ra đường to rồi "vẫy" xe ô tô lên Lạng Sơn. Tiền vé xe do Thắng trả. “Tôi ở nông thôn, chưa đi xa nhà bao giờ nên nó đưa đi đâu thì đi đấy. Đến Lạng Sơn, Thắng bảo mợ có chứng minh thư và tiền không đưa cháu cầm hộ, tôi tin tưởng nên đưa cho Thắng. Đến chiều thì tôi phát hiện mình đã bên đất Trung Quốc do nhìn thấy biển hiệu toàn tiếng lạ nên yêu cầu Thắng và Hiên đưa tôi về Việt Nam nhưng không được. Chúng giao tôi cho một người tên Cường ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn. Sau đó Cường bán tôi cho người Trung Quốc khác. Tôi bị vào nhà chứa cùng với một số chị em người Việt. Ở 10 ngày trong đó, tôi cùng với 6 người phụ nữ khác bị hai người đàn ông đưa lên một chiếc xe ô tô khác chở đi vào sâu trong rừng xanh, núi đỏ. Tôi bị bán đi bán lại mấy lần”, bà Chiều ứa nước mắt kể.
Sau đó, bà Chiều bị ép lấy một người đàn ông Trung Quốc sinh năm 1970. Từ đây cuộc sống của bà vô cùng cơ cực. Bà Chiều cho biết: “Tôi không được đi ra khỏi làng, suốt ngày làm nương, làm rẫy trên núi, trong rừng, ở nhà thì chăn lợn. Gia đình nhà chồng canh giữ cả ngày, đi một bước là có người theo sát. Tôi không có tiền, không có chứng minh thư, không biết nói tiếng Trung Quốc thì đi đâu được. Ngày tôi đi con lớn mới 11 tuổi, con nhỏ 9 tuổi. Nhớ con, nhớ gia đình, nhớ quê hương, tôi lúc nào cũng trong tâm thế tìm về Việt Nam, tìm về với hai con”.
Hành trình tìm về quê mẹ
10 năm nhất quyết không chịu có con với người chồng Trung Quốc, bà Chiều không bị đánh đập nhưng luôn bị theo sát để khỏi trốn về Việt Nam. Nhiều lần bà cũng bày tỏ mong muốn được về với các con ở Việt Nam và được chồng, gia đình chồng đồng ý với điều kiện phải sinh con, đồng thời nuôi đến khi con vào đại học. Nuốt nước mắt để có con với người chồng bị ép lấy, năm 2004, bà sinh được một con gái.
Năm 2022, con gái bà vào đại học, 28 năm sống bên đó, gia đình chồng cũng đã tin tưởng. Giữ lời hứa năm xưa, năm 2022, qua xem trên cộng đồng mạng, thấy có thông tin nói rằng chị em nào bị lừa bán sang Trung Quốc có muốn về Tổ quốc thì liên hệ với số điện thoại Đại sứ quán nên bà đã liên hệ.
Chính người chồng Trung Quốc đã bảo lãnh cho bà, đưa đến Đại sứ quán để làm các thủ tục cấp visa. Tuy nhiên bà không có giấy tờ tuỳ thân, chứng minh thư nhân dân bị Thắng cầm từ năm 1994. Nhân viên Đại sứ quán hỏi bà còn nhớ địa chỉ quê quán ở Việt Nam không thì bà bảo vẫn nhớ và đưa cho mấy tờ khai. Cùng đó yêu cầu phải liên hệ được với 2 người có 2 số điện thoại ở Việt Nam.
Bản thân bà đi từ năm 1994, không có thông tin gì về gia đình nên lại tiếp tục tìm trên cộng đồng mạng. Qua đó bà biết được một phụ nữ cũng bị lừa bán có em trai ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ) làm nghề lái taxi nên liên hệ nhờ tìm hộ.
Người lái taxi này đến tận nhà bà ở xã Nghĩa Hòa, ra chính quyền địa phương xác nhận thông tin cá nhân rồi gửi sang Trung Quốc để có cơ sở làm hộ chiếu. Ông Đồng Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa xác nhận đúng là bà Chiều có hộ khẩu ở thôn Đảng, xã Nghĩa Hòa.
Tuy nhiên bà không có đăng ký kết hôn với người chồng Trung Quốc nên cũng không làm được hộ chiếu. Lúc này người chồng lại giúp đỡ làm các thủ tục, rồi cho bà tiền để bà về Việt Nam vào đêm 22/12/2022 vừa qua.
“Tôi về đến nhà, biết tin bố mẹ đã mất. May mắn hai đứa con tôi được các chú, thím nhà chồng cưu mang, giúp đỡ, cho ăn học đến lớp 9, giờ hai con tôi đã lấy vợ, có cháu và cuộc sống no đủ, tôi mừng lắm. Chồng tôi mất năm tôi chưa 20 tuổi, bây giờ tôi đã 59 tuổi rồi. Bao nhiêu năm sống nơi đất khách quê người. Hai con vẫn hằng ngày trông ngóng mẹ, bảo đến năm 80 tuổi mà mẹ không về thì chúng con sẽ lập bàn thờ”, bà Chiều xót xa.
Ngồi tiếp chuyện với tôi có anh Phạm Xuân Mai (SN 1985), con trai út của bà Chiều cho hay: “Ngày mẹ đi em còn nhớ là sáng sớm hôm đó, mẹ có để lại cho 2 anh em 19,5 nghìn đồng và hai cái bánh nướng. Mẹ gọi dậy lúc sáng sớm và dặn hai anh em là: Mẹ đi làm, anh Thắng đưa mẹ đi chặt mía, cuối tháng mẹ về giỗ bố. Vậy mà mẹ đi đến 28 năm mới về. Hai anh em không bao giờ nghĩ mẹ bỏ hai thằng, ai ngờ mẹ bị bán lâu thế”. Nói rồi anh Mai quay sang ôm chầm mẹ bật khóc nức nở.
“Mẹ bị thằng Thắng và cái Hiên nó bán chứ đời nào mẹ bỏ hai đứa chúng mày mà đi khi bố không còn, lại bé thế”, bà Chiều mếu máo. Theo ông Ngô Văn Đức, một người hàng xóm, ngày ấy gia đình bà Chiều khó khăn lắm. Khi bà đi, hai đứa trẻ nheo nhóc nhìn rất tội, mùa lạnh không có áo ấm để mặc, dép không có đi. May được 2 chú ruột cưu mang, cho ăn học bây giờ ổn rồi.
Nói về hai người bị bà Chiều tố lừa bán mình sang Trung Quốc, ông Phạm Văn Tám (em chồng bà Chiều) cho biết: “Ngay khi biết tin chị dâu tôi từ Trung Quốc trở về, anh Thắng có nhờ vợ, em gái và một người bác sang nhà nói chuyện. Qua nhiều mối quan hệ ngỏ ý đưa cho chị dâu tôi 150 triệu đồng. Nhưng chị tôi và gia đình bảo anh Thắng cứ sang nhà nói chuyện đầu đuôi. Anh Thắng là người trong họ, gia đình chúng tôi không muốn làm to chuyện, nhưng gần 1 tháng rồi không thấy anh Thắng sang nên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, mong được pháp luật xem xét để lấy lại công bằng cho chị tôi”.
28 năm là quãng thời gian tuổi thanh xuân của bà Chiều, thời gian chia lìa người thân, những tháng ngày đằng đẵng sống trong sự đau khổ, tủi nhục nơi xứ người và khoảng thời gian côi cút của 2 người con trai. Với bà Chiều và những người thân, nỗi đau này có lẽ chỉ được vơi đi khi người gây ra phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
Theo Nhóm PV Nội chính (Báo Bắc Giang)