Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”.
Từ sáng sớm ngày 15-8, các lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông có mặt để đảm bảo an toàn an ninh trật tự khu vực tòa, đảm bảo giao thông các ngả đường dẫn tới cơ quan xét xử.
Từ sớm, an ninh triển khai máy soi và các thiết bị hỗ trợ khác tại khu vực tòa. Khoảng 6 giờ 50, các bị cáo được xe thùng đưa tới cơ quan xét xử.
Theo cáo trạng, Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của Tổng công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước, do vậy toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Bình Dương phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.
Với vai trò là chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành các quy định để quản lý và cùng UBND tỉnh Bình Dương thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn vốn, tài sản đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty Bình Dương.
Bị cáo Trần Văn Nam, thời điểm là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2015), Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương (nhiệm kỳ 2015 - 2020); bị cáo Trần Thanh Liêm, giai đoạn là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2020); bị cáo Phạm Văn Cành, giai đoạn là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương (từ tháng 12-2013 đến tháng 11-2018) và bị cáo Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Bình Dương (giai đoạn từ 8-2010 đến 6-2017) là những người chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty Bình Dương đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Đó là các sai phạm trong việc áp dụng đơn giá đất để thu tiền sử dụng đất; thực hiện quản lý vốn, tài sản; không xác định giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145ha khi cổ phần hoá doanh nghiệp; tham ô tài sản.
Trong vụ án này, các bị cáo là cựu lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước nhưng đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hoá thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể mình thành lập và bán cho công ty tư nhân.
Hành vi của các bị cáo đã làm trái quy định của pháp luật về quản lý tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác tại Tổng công ty Bình Dương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỷ đồng...
Theo Đỗ Trung (Sài Gòn Giải Phóng)