Những ngày gần đây, vụ việc liên quan đến 245 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) của khách hàng Chu Thị Bình đột nhiên "bốc hơi" thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ông Lê Văn Quyết (Tổng giám đốc Eximbank) cho biết phương án đưa ra là ngân hàng sẽ tạm ứng 14,8 tỷ cho bà Bình. Tuy nhiên, bà Bình vẫn cân nhắc về việc có nhận số tiền này hay không.
Quy trình, thủ tục của Eximbank có vấn đề?
Bà Bình chia sẻ mình vẫn giữ bản gốc sổ tiết kiệm nhưng tiền trong tài khoản lại "bốc hơi". Trong trường hợp này, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích quy trình thủ tục của Eximbank "có vấn đề".
“Việc không xuất trình sổ tiết kiệm gốc là vi phạm nghiêm trọng thủ tục rút tiền của ngân hàng, do việc xuất trình sổ tiết kiệm là căn cứ quan trọng để ngân hàng biết được khách hàng có quyền rút tiền hay không. Nếu không xuất trình được thì ngân hàng phải từ chối cho rút và phải liên hệ ngay với chủ sở hữu sổ tiết kiệm, để làm rõ bởi số tiền trong sổ tiết kiệm là rất lớn”, luật sư Công nêu quan điểm.
Luật sư Công cho rằng khi sổ tiết kiệm gốc bà Bình vẫn giữ nhưng tiền trong tài khoản lại mất thì quy trình của ngân hàng có vấn đề. "Việc truy thu số tiền chiếm đoạt là quan hệ của Eximbank với nhân viên có hành vi lừa đảo chứ không còn liên quan đến khách hàng gửi tiền nữa", luật sư Công nói.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ thêm: “Trong trường hợp của Eximbank vừa qua, cán bộ ngân hàng đã lạm dụng vị trí, chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Ngân hàng để cán bộ, nhân viên làm sai, thì ngân hàng phải có trách nhiệm với khách hàng”.
Chưa bắt được ông Hưng, vụ án sẽ tạm đình chỉ
Liên quan đến việc ông Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn, vị luật sư chia sẻ do hiện nay không biết rõ bị can đang ở đâu, nhưng khi hết thời hạn điều tra theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra theo Điều 229 BLTTHS. Tòa sẽ không xét xử khi chưa bắt được ông Hưng.
Khi nào bắt được ông Hưng sẽ tiếp tục quy trình truy cứu trách nhiệm hình sự thông qua việc điều tra, truy tố, xét xử.
Trước thiệt hại thực tế đã xảy ra, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng khách hàng có thể khởi kiện Ngân hàng Eximbank trong một vụ kiện riêng biệt, để yêu cầu ngân hàng này bồi thường thiệt hại về phần tiền mình đã gửi theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 và theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Tuy nhiên, cũng tùy từng trường hợp, để xác định ai là bị hại và trách nhiệm của ngân hàng đến đâu thì phải căn cứ vào chứng từ, giấy tờ đang lưu giữ tại ngân hàng, chứ không thể quy trách nhiệm cho riêng khách hàng hay ngân hàng được.
Trường hợp bà Bình có một phần lỗi do quá chủ quan, ký thêm các chứng từ mà không kiểm tra lại thì khách hàng phải chịu một phần trách nhiệm và có thể sẽ không được bồi thường phần đó.
Còn phần nào thuộc về lỗi của ngân hàng thì ngân hàng sẽ phải bồi thường cho khách hàng phần thiệt hại phát sinh do lỗi gây nên.
“Như vậy, khách hàng bị mất tiền có khả năng lấy lại tiền, tuy nhiên lấy lại được bao nhiêu thì tùy thuộc vào việc họ có lỗi trong việc phát sinh vấn đề hay không”, luật sư Công nói.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)