Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ nâng khống giá hệ thống xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, xuất hiện tình tiết đáng lưu ý: Có 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan gửi đơn đến tòa xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội, trong đó có cựu giám đốc Nguyễn Nhật Cảm.
Đặc biệt, luật sư của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cũng xin nộp thêm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của 42 PGS.TS và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc.
Thông tin này lập tức nhận được nhiều bàn luận của bạn đọc. Vậy những đơn xin giảm nhẹ này có nội dung ra sao?
Tác phong nhà khoa học và hậu quả làm bất bình dư luận
Theo tìm hiểu, trong số những người gửi đơn mong tòa giảm án cho cựu giám đốc CDC Hà Nội có GS. Phạm Ngọc Đính (nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và GS. Vũ Sinh Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế).
Trong đơn, hai vị giáo sư nhấn mạnh “không thể thanh minh hết cho những sai lầm mà ông Nguyễn Nhật Cảm cùng một số đồng nghiệp ở CDC Hà Nội đã mắc phải”.
Tuy nhiên, hai vị giáo sư cho rằng cựu giám đốc CDC hà Nội đã mang tác phong (có phần quan liêu) của nhà khoa học, trong điều kiện bận rộn, cùng lúc điều hành rất nhiều loại công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
Cùng với đó, do chưa sát sao cụ thể, chưa thấy rõ những phức tạp, lỗ hổng của việc đấu thầu mua trang thiết bị chống dịch vì chưa có được những văn bản hướng dẫn cụ thể, các cựu lãnh đạo và cán bộ CDC Hà Nội đã xảy ra những sai lầm quan trọng.
Hai vị giáo sư còn khẳng định bị cáo Cảm trưởng thành từ cơ sở qua công tác thực tế phòng chống dịch, lại được Nhà nước và ngành Y tế đào tạo bài bản, là PGS.TS Y khoa, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp và thành tích đối với ngành Y tế Hà Nội nói riêng và hệ thống Y tế dự phòng cả nước nói chung…
Hai vị giáo sư mong HĐXX cho bị cáo Cảm được hưởng sự khoan hồng, giảm mức án để sớm hòa nhập với cộng đồng. “Với danh dự và lòng tin của những người đã từng phục vụ trong hệ thống y tế dự phòng nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng Nguyễn Nhật Cảm nếu được cho cơ hội sẽ tiếp tục cống hiến cho xã hội theo chuyên môn y học đã được đào tạo” – đơn viết.
Tòa: Không có căn cứ giảm nhẹ
Tại phần tuyên án, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo trong vụ án này là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan nhà nước. Trong khi Chính phủ và nhân dân đang tập trung chống dịch, các cựu cán bộ CDC Hà Nội đã không làm nhiệm vụ được giao mà còn vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước nên cần phạt nghiêm để phòng ngừa.
Trong số các bị cáo, cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm có vai trò chủ mưu, là người khởi xướng và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm, trong đó bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên y án 10 năm tù.
Trước đó, ở phần tranh luận, đại diện VKS cũng đánh giá bị cáo Cảm có học hàm học vị PGS.TS và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo được cơ quan chủ quản và nhiều đồng nghiệp trên khắp cả nước làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, kiểm sát viên cho rằng mức án 10 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên đối với bị cáo đã là mức thấp nhất của khung hình phạt truy tố (10-20 năm tù), nên không có căn cứ xem xét.
Không có căn cứ giảm nhẹ
Theo án sơ thẩm, cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 9 bị cáo bị xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 BLHS, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Theo cáo trạng, để phục vụ công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội được giao làm chủ đầu tư mua sắm gói thầu số 15, gồm một hệ thống Realtime PCR tự động, một máy tách chiết DNA/RNA tự động, cùng một số tủ lạnh và tủ mát.
Tuy nhiên, với vai trò giám đốc CDC, chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện đúng các quy định về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thay vào đó, ông Cảm chủ động gặp, bàn bạc và thống nhất với “đối tác” về giá mua các thiết bị nằm trong gói thầu số 15.
Kết quả, các bị cáo móc nối với nhau, ký hợp đồng giữa CDC Hà Nội với công ty để mua bán các trang thiết bị với tổng giá trị là 9,54 tỉ đồng, trong đó riêng hệ thống Realtime PCR tự động có giá bảy tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động có giá 1,2 tỉ đồng.
Kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cấp Trung ương xác định tổng giá trị của gói thầu số 15 chỉ là hơn 4,14 tỉ đồng. Trong đó, hệ thống Realtime PCR tự động có giá gần 3,12 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động có giá 450 triệu đồng.
VKSND Tối cao xác định hành vi của cựu giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng.
Theo Phúc Bình (Pháp Luật TPHCM)