Cựu Giám đốc chi nhánh VietABank bị truy tố tội lừa đảo
Sáng nay (26/12), TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Trong vụ án, bị can Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xem là người giữ vai trò chính, giúp sức cho Thành thực hiện các hành vi lừa đảo có 25 đồng phạm, trong đó, có 17 người là cựu cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Nhóm cán bộ VietABank gồm: Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh); Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân PGD Đông Đô); Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên); Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Hương (đều là nhân viên); Bùi Thị Na, Đỗ Thị Liên (thủ quỹ VietABank); Trịnh Phương Ngân, Lê Thị Hiên, Phạm Thu Hiền (giao dịch viên).
Nhóm cán bộ NCB gồm: Trần Thị Hoa (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành NCB khu vực Tây Hồ); Phạm Thị Ngọc Lan (Trưởng bộ phận tác nghiệp tín dụng); Đặng Thị Thu Hòa, Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB); Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên).
Hai bị cáo còn lại là Đỗ Minh Đức (Giám đốc phát triển khách hàng, khối khách hàng doanh nghiệp PVcombank) và Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVcombank).
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phan Huy Cương. Vụ án dự kiến xét xử trong 15 ngày.
Trước đó, phiên tòa từng bị hoãn nhiều lần do HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ một số vấn đề như: Bị hại trong vụ án, ông Đặng Nghĩa Toàn, có hay không dấu hiệu đồng phạm lừa đảo với bị cáo chính Nguyễn Thị Hà Thành, và thực chất, quan hệ vay nợ của Thành và ông Toàn ra sao; Hồ sơ vụ án cũng chưa làm rõ được tổng số tiền lãi ông Toàn nhận từ Thành và số tiền lãi Thành nhận từ các ngân hàng là bao nhiêu; Hành vi của bị cáo Quản Trọng Đức, cựu giám đốc Ngân hàng Việt Á, chi nhánh Hà Nội, cũng được HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ để chứng minh có hay không dấu hiệu đồng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi điều tra bổ sung, Viện kiểm sát đã đổi tội danh truy tố đối với 2 bị can Quản Trọng Đức cùng thuộc cấp Nguyễn Mai Phương từ tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn bị can Nguyễn Giang Hòa bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Nhóm cán bộ ngân hàng ‘giúp sức’ cho lừa đảo
Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 - 2018, Nguyễn Thị Hà Thành kinh doanh tự do nhưng thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân theo cách "vay người sau trả cho người trước". Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Qua các quan hệ xã hội, Thành còn tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các “Hợp đồng tín dụng”, vay các ngân hàng.
Cáo trạng cho rằng, các ngân hàng đều coi Thành là khách hàng “VIP” nhưng thực tế đối tượng này không hoạt động kinh doanh, "chỉ vay tiền người sau trả người trước". Từ ngày 5/6/2018 – 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Từ đó, bị cáo nhiều lần gian dối, chiếm đoạt 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và các cá nhân.
Cụ thể, tại ngân hàng VietABank, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương, Quản Trọng Đức… đã giúp sức cho Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ đồng của ngân hàng này và 63 tỷ đồng của nhiều cá nhân khác.
Tại ngân hàng NCB, Thành đề nghị vay ông Đặng Nghĩa Toàn (ở quận Hoàn Kiếm) bằng hình thức ông Toàn và vợ gửi tiền vào NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho cô ta quản lý. Ngược lại, Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài 4,2% một tháng. Khi đến hạn sẽ trả sổ tiết kiệm cho ông Toàn để đến ngân hàng rút tiền gốc, còn lãi suất Thành được hưởng.
Có được sổ trong tay, Thành cùng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho) giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ và được ngân hàng NCB ba lần giải ngân 47,5 tỷ đồng. Số tiền này Thành trả nợ, chi tiêu cá nhân.
Tại cơ quan điều tra, vợ chồng ông Toàn khai không biết và không đồng ý cho Thành dùng sổ tiết kiệm của mình để cầm cố vay ngân hàng. Còn Thành, Tùng thừa nhận việc lập khống hồ sơ, giả chữ ký ông Toàn để được vay tiền.
Ngoài ra, cơ quan truy tố còn cáo buộc Nguyễn Thị Hà Thành làm giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay nhiều người gửi tiền khác, rồi chiếm đoạt của các ngân hàng này số tiền hơn 49 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên sơ thẩm được mở đầu tháng 5/2022, bị cáo Thành khai rằng quan hệ với ông Toàn là vay nợ. Về hình thức, Thành và ông Toàn sẽ cùng gửi tiền ngân hàng qua hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu. Hợp đồng lập hai bản, ngân hàng giữ một bản, còn một bản ông Toàn giữ.
Bị cáo nói sau đó sẽ mượn ông Toàn hợp đồng này để photo, từ đó làm hồ sơ chứng minh tài chính để vay tiền thực hiện các dự án. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài 4,2% một tháng, song vợ chồng ông Toàn hoàn toàn không biết Thành sẽ dùng sổ tiết kiệm này để làm gì sau đó.
Lời khai này mâu thuẫn với những điều Thành khai tại cơ quan điều tra rằng: "Toàn biết rõ tôi sẽ tìm cách để rút tiền trong sổ tiết kiệm này, Toàn chỉ không biết là tôi sẽ rút bằng cách nào". Nghe HĐXX công bố lại lời khai này, Thành phủ nhận: "Không khai như thế. Giả dụ nếu có khai như thế thì bị cáo xin sửa lại lời khai lại như hôm nay vừa khai".
Một mâu thuẫn khác xuất hiện trong phần thẩm hồi tháng 5/2022 là ông Toàn cho rằng mới nhận 4 tỷ đồng tiền lãi từ Thành và chưa nhận lại tiền gốc, trong khi Thành khẳng định đã trả được 35 tỷ đồng, song "không có giấy tờ bằng chứng".
Tuy nhiên, tại bản cáo trạng truy tố bổ sung vừa qua, ông Toàn vẫn được các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, không đồng phạm "lừa đảo" cùng với Nguyễn Thị Hà Thành.
Theo Hoàng An (Tiền Phong)