12 năm tù vì trộm… xe của mình

20/02/2019 09:04:31

Bị cáo đưa xe cho bạn thế chấp để bạn vay tiền, sau đó bị cáo lén lút lấy lại xe này nên bị buộc tội trộm cắp.

TAND Cấp cao tại TP.HCM đang chuẩn bị đưa một vụ án “bị tội vì trộm xe của mình” ra xét xử phúc thẩm. Tòa sẽ xem xét kháng cáo kêu oan của Nguyễn Văn Tuấn đối với cáo buộc trộm cắp tài sản cùng mức án 12 năm tù mà TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt.
Vụ trộm lạ lùng

Theo hồ sơ, tháng 5-2017, Nguyễn Văn Tuấn mua ô tô bán tải hiệu Chevrolet giá 789 triệu đồng, trong đó Ngân hàng (NH) TMCP Quân đội - Chi nhánh Phú Nhuận bảo lãnh cho vay 725 triệu đồng.

Tháng 7-2017, Tuấn làm chứng cho ông Trần Minh Trung đem xe này thế chấp cho ông Trần Thái Sơn để vay 250 triệu đồng. Các bên lập hợp đồng thế chấp xe, thời hạn vay hai tháng, lãi suất tự thỏa thuận. Toàn bộ tiền vay do ông Trung sử dụng.

Ông Sơn đem xe đến trước sân nhà mẹ ông ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) để cất giữ.

Khoảng 20 giờ ngày 18-10-2017, Tuấn đến nhà mẹ ông Sơn, dùng chìa khóa thứ hai mở cửa xe và chạy xe về quê ở Nghệ An. Ông Sơn phát hiện và trình báo việc mất xe.

20 ngày sau, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) tạm giữ xe này khi Tuấn đang chạy trên đường phố ở TP.HCM. Sau đó Tuấn bị truy tố tội trộm cắp tài sản theo khoản 4 Điều 173 BLHS 2015.

12 năm tù vì trộm… xe của mình

 Không phải lén lút trộm cắp?

Tại tòa sơ thẩm, Tuấn kêu oan và trình bày rằng chiếc xe này Tuấn mua có sự bảo lãnh và cho vay của NH. Ông Trung thuê xe của Tuấn giá 15 triệu đồng/tháng, thời hạn hai tháng. Sau đó ông Trung nhờ Tuấn bảo lãnh thế chấp chiếc xe này cho ông Sơn để vay 250 triệu đồng.

Hết thời hạn hai tháng thế chấp, ông Sơn báo với Tuấn rằng ông Trung không trả tiền vay nên Tuấn đi tìm ông Trung để lấy xe.

Tìm không được ông Trung, thời hạn cho thuê xe cũng đã hết nên Tuấn rà soát định vị xe và phát hiện xe mình để nơi sân trống, không có hàng rào bảo vệ, không có ai trông coi. Vì vậy Tuấn đã đến lấy xe về bảo quản để bảo đảm tài sản đã thế chấp cho NH.

Tuấn cho rằng hành vi của mình không phải là lén lút trộm cắp, bởi lẽ theo Điều 317 BLDS 2017 thì “tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ”. Theo quy định này thì bên thế chấp không giao tài sản là chiếc xe cho ông Sơn, bên nhận thế chấp, trực tiếp quản lý. Cũng như trước đó, Tuấn thế chấp xe cho NH nhưng không giao xe cho NH quản lý. Việc xác định NH là bị hại là không đúng, bởi lẽ Tuấn không trộm xe của NH mà chỉ thế chấp xe cho NH...

Không đủ tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung

Tại phiên tòa tháng 8-2018, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị tòa xử dưới khung hình phạt mà luật quy định với mức án 8-10 năm tù. Chiếc xe đề nghị giao cho NH giải quyết theo hợp đồng vay và thế chấp tài sản để thu hồi nợ.

TAND tỉnh Đồng Nai nhận định rằng 10 ngày sau khi lấy xe ở nhà mẹ ông Sơn, Tuấn đem xe đi cài lại chương trình xe chỉ mở cửa bằng một chìa khóa do Tuấn giữ. Sau khi nhận kết luận điều tra, Tuấn không kêu oan mà thừa nhận mình có tội và xin pháp luật khoan hồng.

Theo hợp đồng thế chấp (viết tay) thì Tuấn tự nguyện ký tên là người làm chứng và biết rõ là chiếc xe được giao cho ông Sơn chiếm giữ. Những ngày sau Tuấn còn trực tiếp giao giấy đăng kiểm xe để vay thêm 70 triệu đồng. Việc Tuấn lén lút lấy lại xe mà không có sự đồng ý của ông Sơn chính là hành vi trộm cắp bởi lẽ ông Sơn phải chịu trách nhiệm về chiếc xe nếu xảy ra hư hỏng, mất mát.

HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng hành vi của Tuấn xâm phạm đến quyền lợi của NH và bên nhận thế chấp, tài sản bị xâm hại có giá trị lớn đến 770 triệu đồng. Xét Tuấn sau khi phạm tội đã ra đầu thú, tài sản chiếm đoạt đã thu hồi nên xem xét giảm một phần hình phạt. Tuy nhiên, do không đủ hai tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung nên tòa phạt Tuấn 12 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa cho rằng NH bảo lãnh cho Tuấn vay để mua xe, có lập hợp đồng thế chấp. Giao dịch này là hợp pháp. Hợp đồng ông Sơn cho ông Trung vay 250 triệu đồng là hợp đồng dân sự nên ông Sơn có quyền kiện đòi khi có yêu cầu. Hợp đồng thế chấp giữa ông Sơn và ông Trung là không hợp pháp bởi lẽ Tuấn đã bảo lãnh cho ông Trung vay tiền bằng chính chiếc xe mà Tuấn đã thế chấp NH...

Một vụ trộm tương tự ở Hà Nội

Tháng 11-2018, TAND TP Hà Nội đã hủy án của TAND huyện Sóc Sơn đối với Nguyễn Văn Phú nhằm xác định lại ai là chủ sở hữu tài sản. Trước đó, tháng 2-2017, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Phú bảy năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Theo hồ sơ, tháng 6-2011, Phú mua chiếc ô tô tải bảy tấn để kinh doanh. Do không đủ tiền nên Phú phải vay 270 triệu đồng của NH và dùng chính chiếc ô tô này làm tài sản bảo đảm trong vòng 36 tháng.

Thời gian sau, Phú thấy việc kinh doanh không hiệu quả nên bán xe giá 400 triệu đồng với cam kết tiếp tục trả nợ NH 240 triệu đồng. Tuy nhiên, người này lại bán cho chị Nguyễn Thu Hường. Chị Hường giao cho anh Trần Quốc Bình làm phương tiện kinh doanh vận tải. Khi số nợ còn 93 triệu đồng thì chị Hường và anh Bình không tiếp tục thanh toán với NH.

Liên tục bị NH nhắc nợ nên Phú phải tìm gặp anh Bình. Hai bên không thống nhất được nợ nần nên Phú nhảy lên ô tô lái ra phòng công chứng bán xe cho người khác. Nhận tiền bán ô tô, Phú mang ngay tới NH và tất toán toàn bộ nợ nần. Sau đó Phú đi xuất khẩu lao động. Chị Hường và anh Bình báo công an, Phú bị phát lệnh truy nã.

Cuối năm 2015, hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài, Phú về nước thì bị bắt giữ. Theo định giá, chiếc ô tô tải có giá gần 300 triệu đồng.

Bị đưa ra xét xử ở cả hai cấp tòa, Phú cho rằng khi lấy lại xe mang đi giải quyết công nợ với NH, anh Bình chỉ đứng cách Phú vài chục mét và không có phản ứng gì. Trước khi bán ô tô, Phú cũng gọi điện thoại thông báo với người bị hại...

Theo Phương Loan (Pháp Luật TP.HCM)

Nổi bật