Với chiến công đặc biệt xuất sắc này, ngày 21-6, các lực lượng phá án đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi thư khen.
Lần đầu tiếp cận tội phạm mới
Thiếu tá Trần Thị Thu Ngọc - Phó Đội trưởng Đội 6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) cho hay, khi nhận trình báo đầu tiên của một bị hại tố cáo hành vi lừa đảo thông qua sàn giao dịch forex, tất cả CBCS trong đội trước đó đều chưa bao giờ tiếp xúc với vụ án nào liên quan đến kiểu giao dịch này, thậm chí còn chưa có ai từng đặt các lệnh trên sàn giao dịch ảo.
Trước thời điểm năm 2017, Bộ luật Hình sự có quy định tội danh kinh doanh trái phép, rất nhiều đối tượng đã bị xử lý với tội danh nói trên. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các loại hình kinh doanh mới phát triển ngày càng nở rộ nên quy định pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép bị bãi bỏ. Chính điều này đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng, trong đó có hành vi tạo sàn giao dịch forex, quảng cáo có kết nối quốc tế, nhưng thực chất chỉ là cái bẫy hút tiền người chơi. Trình báo của chị M.A (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) thể hiện, chị đã mất 7 tỷ đồng vì đầu tư tiền theo lệnh của các “chuyên gia tư vấn”.
Bắt tay vào điều tra, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao con phát hiện ra chị M.A không phải là bị hại duy nhất sa bẫy của nhóm đối tượng. Chúng đã tổ chức, xây dựng, quản trị và điều hành các sàn giao dịch vàng, ngoại tệ không được sự cấp phép của Nhà nước. Được sự đồng ý của Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên sàn giao dịch vàng, ngoại hối trái phép Rforex.
Lần manh mối trên không gian ảo
Đội 6 được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ là chủ công trong quá trình đấu tranh chuyên án. Khi bắt tay vào việc, các trinh sát gặp không ít khó khăn. Theo Thiếu tá Trần Thị Thu Ngọc, tất cả các sàn forex tại Việt Nam đều ẩn danh, không có tư cách pháp nhân cũng như không có trụ sở kinh doanh. Thời điểm bị lực lượng chức năng truy cập thông tin, các đối tượng đã xóa các trang web, xóa toàn bộ dữ liệu khách hàng và đặc biệt, tất cả các máy tính có địa chỉ IP tại Việt Nam đều không thể truy cập vào trang web này nên gần như không thu được thông tin gì.
Trung tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, các hoạt động liên quan đến sàn forex chưa chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật. Số đối tượng quản trị, điều hành sàn đều có trình độ rất cao về công nghệ thông tin và tài chính. Số lượng đối tượng lại đông, chuyên nghiệp, có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội. Hơn nữa, chúng còn hoạt động ở nhiều địa phương, nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt đây lại là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác xác minh, đấu tranh của cơ quan công an.
Theo thông tin trinh sát thu thập được, nguồn tiền mà người chơi nạp vào hệ thống được chuyển qua nhiều nguồn khác nhau. Các đối tượng có thể sử dụng tài khoản đi thuê, đi mượn… để nhận tiền từ người chơi, sau đó “rửa” bằng cách đổi sang các loại tiền ảo trước khi chuyển về tài khoản chính để biến thành tiền hợp pháp. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng mua tên miền trang web, máy chủ chứa dữ liệu thì thuê tại nước ngoài và ẩn danh nhà cung cấp nên rất khó khăn cho công tác điều tra. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều xóa dấu vết, thường xuyên thay đổi nơi ở để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Với sự phối hợp của Cục Đối ngoại (Bộ Công an), các trinh sát đã tìm được một cái tên tại Vương quốc Anh có đăng ký thuê tài khoản MT5 để thiết lập sàn giao dịch forex, đó là “HUNG VU DINH” - một cái tên không dấu nhưng đã trở thành đầu mối duy nhất của vụ án. Dù hết sức mông lung, nhưng các trinh sát đã đặt nghi vấn về một nhân vật có thể tên là Vũ Đình Hùng.
Tra cứu lại hồ sơ, trinh sát nhận thấy cách thời điểm xảy ra vụ án khoảng 6 năm, có một người mang tên Vũ Đình Hùng - kỹ sư công nghệ thông tin - là mắt xích trong trong vụ án kinh doanh trái phép xảy ra tại Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng trang sức quốc tế IG (Công ty IG). Hùng được Giám đốc Công ty IG thuê tìm kiếm phần mềm MT4 và cài đặt thêm chức năng quản trị phần mềm để trực tiếp quản lý sàn giao dịch, đó là một hành vi gần như tương tự với vụ án sàn forex.
Dày công trinh sát, có những cán bộ phải ăn chực nằm chờ ở phía Nam gần 2 tháng trời để phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP Hồ Chí Minh. Thấy vụ án có nhiều dấu hiệu phức tạp, Ban chuyên án quyết định bổ sung thêm lực lượng của Phòng Cảnh sát hình sự cùng tham gia phá án. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Giám đốc CATP và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, các đơn vị đã tập trung lực lượng điều tra, xác minh, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng.
Cuối cùng thì cơ quan công an cũng xác định được Vũ Đình Hùng chính xác là mấu chốt của vụ án. Đây chính là người đã thuê phần mềm MT5 của một công ty có trụ sở tại nước Anh và cũng là đối tượng chưa thi hành bản án 5 năm tù giam cho tội “Kinh doanh trái phép” trong vụ án Công ty IG. Ngoài Vũ Đình Hùng, một loạt các đối tượng khác cũng đã được làm rõ gồm: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Lương, Phạm Thị Thái và nhiều đối tượng khác có liên quan. Tổ chức khám xét đồng loạt tại nhiều địa điểm ở Hà Nội và TP.HCM, CATP Hà Nội đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng được sử dụng cho quá trình hoạt động sàn giao dịch.
Thua thiệt luôn thuộc về người chơi
Tại cơ quan công an, Vũ Đình Hùng đã thực nghiệm lại các thao tác can thiệp kỹ thuật vào hệ thống tài khoản MT5 của một người chơi trên trang Rforex.com. Có lẽ, nếu được chứng kiến thì những khách hàng đã tham gia chơi sẽ vô cùng bàng hoàng khi chỉ trong chưa đầy 1 phút, tài khoản của họ đã “bay” khoảng 2.000 USD. Các đối tượng đều nắm rõ cơ chế hoạt động của sàn và cấu kết với nhau để thực hiện hành vi phạm pháp, đó là can thiệp kỹ thuật để chiếm đoạt tiền của người chơi.
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu được, đến nay, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng. Quá trình điều tra xác định, các đối tượng đã triệt để lợi dụng công nghệ cao vào quản trị, điều hành các sàn forex với giao diện tương đồng với các sàn của nước ngoài để lôi kéo, thu hút người chơi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng đã xây dựng tổng số 12 sàn forex, trong đó có 3 sàn đang hoạt động là Rforex.com, Yaibroker.com và Vistaforex.com. Khai thác sơ bộ cho thấy, tổng số tài khoản đã tham gia chơi trên 3 sàn trên là hơn 12.000 tài khoản ở nhiều quốc gia khác nhau, tổng số tiền đã nạp vào các sàn là 4,3 triệu USD. Toàn bộ số tiền của người chơi nạp vào sàn Rforex khi rút ra được luân chuyển qua nhiều tài khoản của nhóm đối tượng ở Hà Nội với mục đích che mắt người chơi, khiến người chơi tưởng đã nộp tiền vào tài khoản sàn Rforex của mình để kinh doanh, nhưng thực tế là chủ sàn được hưởng.
Các hoạt động liên quan đến sàn forex chưa chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật. Số đối tượng quản trị, điều hành sàn đều có trình độ rất cao về công nghệ thông tin và tài chính. Số lượng đối tượng lại đông, chuyên nghiệp, có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội. Hơn nữa, chúng còn hoạt động ở nhiều địa phương, nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt đây lại là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác xác minh, đấu tranh của cơ quan công an.
Theo Trường Văn (An Ninh Thủ Đô)