Nhiều mẫu xe của Volkswagenbị điều tra. (Nguồn: theglobeandmail) |
Hiện nay, các kỹ sư của VW đang phải tìm mọi cách để sản xuất và đặt hàng các bộ phận, linh kiện thay thế hệ thống phần mềm gian lận khí thải và nếu mọi việc tiến triển đúng kế hoạch, hãng có thể bắt đầu thu hồi xe để sửa chữa từ tháng 1 tới đến cuối năm 2016.
Ông Müller cũng cho biết điều khó khăn hiện nay là việc chế tạo và cài đặt phần mềm gian lận khí thải chỉ do một số lượng rất ít nhân viên của VW phụ trách, do vậy, việc thu hồi hàng triệu xe các loại để sửa chữa sẽ rất phức tạp.
Phát biểu cùng ngày tại một hội nghị bất thường của VW với sự tham dự của trên 20.000 nhân viên tại trụ sở nhà máy ở thành phố Wolfsburg, ông Müller đã thông báo về kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của hãng trong thời gian tới nhằm giải quyết hậu quả do vụ bê bối khí thải gây ra. VW sẽ kiểm tra lại tất cả các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch và những hạng mục đầu tư không quan trọng sẽ bị huỷ hoặc tạm dừng.
Trong khi đó, ông Bernd Osterloh, một lãnh đạo khác của VW, khẳng định vụ bê bối sẽ không ảnh hưởng tới việc làm của hãng và VW sẽ làm tất cả để đảm bảo việc làm cho công nhân viên. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo hậu quả khó lường trong thời gian tới, đặc biệt là thái độ của khách hàng đối với vụ việc này.
Vụ bê bối khí thải gây chấn động ngành sản xuất xe hơi của Đức đã khiến những người giàu có nhất trong đại gia đình VW thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng 5 gia đình có tài sản ở VW đã mất trắng 12 tỷ euro sau vụ bê bối, trong đó riêng gia đình Porsche và Piëch đã mất tới 8,4 tỷ euro chỉ trong hơn 3 tuần qua.
Trong diễn biến liên quan, lãnh đạo Volkswagen tại Mỹ dự kiến ngày 8/10 sẽ phải giải trình trước các nhà lập pháp Mỹ về việc VW đã làm thế nào để gian lận được quy định về lượng khí thải khiến Mỹ phải mở một cuộc điều tra cấp Quốc hội về vụ bê bối này và liệu còn nhà sản xuất xe hơi nào khác có liên quan đến vụ việc hay không.
Theo PV (VietNam+)