Đèn chiếu sáng ban ngày (Daytime Running Light) là một tiêu chuẩn bắt buộc với xe mô-tô ở nhiều nước phát triển, là nguyên do khiến nhiều mẫu xe nhập khẩu "luôn sáng đèn" bất kể ngày đêm.
Tại Liên minh châu Âu (EU), các phương tiện, kể cả xe bus và xe tải, được yêu cầu bắt buộc trang bị DRL kể từ tháng 8/2012.
Hiệu quả của DRL đến đâu?
Nhiều nghiên cứu từ những năm 1970 đã chỉ ra DRL giảm khả năng va chạm đối diện hoặc từ phía hông cho các phương tiện bởi DRL giúp người lái xe đối diện hoặc từ phía hông dễ nhận ra phương tiện từ xa.
Một nghiên cứu ở Na-uy trong thập niên 80 cho thấy tỉ lệ tai nạn giảm 10% kể từ khi áp dụng DRL. Một nghiên cứu tương tự tại Đan Mạch cũng chi thấy tỉ lệ này đạt mức 7%.
Một nghiên cứu khác tại Canada cho thấy DRL giúp các tài xế nước này tránh được 11% tai nạn trong năm 1994. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy tỉ lệ tai nạn với các phương tiện có DRL giảm 7% khi trong năm 1985, so với loại phương tiện không có DRL.
DRL có gây tốn kém?
NHTSA (Viện Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Mỹ) cho hay việc sử dụng DRL có ảnh hưởng tới mức tiêu hao nhiên liệu do động cơ phải hoạt động để nạp ắc-quy, giúp cấp năng lượng cho DRL, nhưng không đáng kể.
General Motors thì cho hay, với các mẫu xe hơi sử dụng DRL của hãng này, chi phí trung bình cho 1 năm sử dụng DRL là đèn chiếu xa được giảm cường độ chỉ là 3 USD.