Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ khi xe đang hoạt động mới có nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp ô tô bốc cháy ngay cả khi đang trong trạng thái "nghỉ ngơi", gây thiệt hại nặng nề về tài sản và đe dọa an toàn khu vực xung quanh.
Một ví dụ điển hình là vụ cháy chiếc Mercedes-Benz S450 L của ca sĩ Duy Mạnh vào đầu năm 2023. Chiếc xe bất ngờ bốc cháy khi đang đỗ trong hầm chung cư, khiến vụ việc trở thành chủ đề tranh cãi giữa các bên liên quan.
Anh Trần Văn Kiên - chủ gara sửa chữa ô tô tại quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận định rằng việc một chiếc xe đang tắt máy tự nhiên bốc cháy nghe có vẻ khó tin, nhưng nguyên nhân thường xuất phát từ những vấn đề tiềm ẩn bên trong chiếc xe.
Chập điện
Chập điện là "kẻ thù vô hình" dẫn đến nhiều vụ cháy xe, ngay cả khi xe đã tắt máy. Nguyên nhân là vì một số hệ thống điện như khóa cửa, chống trộm, đồng hồ... vẫn hoạt động nhờ nguồn điện từ ắc quy.
Theo thời gian, dây dẫn có thể lão hóa, lớp vỏ cách điện bị nứt vỡ. Các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ cao, động vật gặm nhấm cắn phá, hay việc lắp thêm thiết bị ngoại vi sai kỹ thuật đều có thể dẫn đến đoản mạch hay còn gọi là chập mạch.
Anh Kiên chia sẻ: “Tia lửa điện phát sinh từ chập mạch có thể bén vào vật liệu dễ cháy như vỏ dây điện, giấy, vải hoặc nhiên liệu rò rỉ, dẫn đến cháy xe. Hiện tượng này chủ yếu bắt nguồn từ khoang động cơ, nơi tập trung nhiều thiết bị điện nhất.”
Ngoài ra, ắc quy cũ hoặc cọc nối ắc quy bị lỏng, tiếp xúc kém cũng có thể phát nhiệt hoặc phát sinh tia lửa điện, làm tăng nguy cơ cháy xe.
Rò rỉ nhiên liệu
Đường ống dẫn nhiên liệu (xăng hoặc dầu) có thể bị lão hóa theo thời gian, gây nứt vỡ hoặc lỏng khớp nối, làm xăng dầu rò rỉ ra ngoài. Dù xe đã tắt máy nhưng các bộ phận như ống xả, động cơ vẫn chưa nguội, kết hợp với hơi nhiên liệu hoặc tia lửa điện do đoản mạch sẽ dễ dàng tạo thành nguồn gây cháy xe ô tô.
Nhiệt độ môi trường cao
Theo anh Kiên, các vụ cháy xe thường xảy ra nhiều hơn vào mùa hè. Khi đỗ xe ở ngoài trời nắng nóng gay gắt, nhiệt độ bên trong xe có thể tăng lên 60 - 80 độ C, dễ làm vật liệu trong xe dễ bị biến dạng, dây điện chảy nhựa hoặc gây nổ các vật dụng dễ cháy như bật lửa, bình xịt hay pin sạc dự phòng.
Thậm chí, ngay cả những vật dụng tưởng chừng như vô hại như chai nước hoặc kính mát để không đúng vị trí trong xe cũng có thể hội tụ ảnh sáng, làm tăng nguy cơ cháy xe.
Làm sao để giảm thiểu rủi ro xe tự cháy khi đỗ?
Anh Trần Văn Kiên khuyến cáo: "Cách tốt nhất là kiểm tra bảo dưỡng xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời, yêu cầu kỹ thuật viên kiểm tra kỹ hệ thống điện và nhiên liệu."
Ngoài ra, chủ xe cần thường xuyên vệ sinh khoang máy, loại bỏ các lá cây khô, rác bẩn hoặc dầu mỡ tích tụ để tránh trở thành "mồi lửa", đồng thời chú ý đến các dấu hiệu như mùi khét, mùi nhiên liệu và các đèn bao lỗi trên bảng táp-lô để kiểm tra và xử lý vấn đề ngay lập tức.
Tránh tự ý lắp camera, đèn LED, thiết bị định vị không rõ nguồn gốc. Nên cần lắp, hãy chọn đơn vị uy tín, yêu cầu kỹ thuật đấu nối an toàn, có bọc cách nhiệt và nối qua cầu chì.
Cuối cùng, các chủ xe tuyệt đối không để bật lửa, bình xịt, pin sạc dự phòng, kính mắt trong xe, nhất là các vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và tránh đỗ xe tại những khu vực dễ cháy hoặc nơi để nhiều vật liệu dễ bắt lửa.
Mặc dù việc xe tự cháy khi đang đỗ là hiếm gặp, nhưng hậu quả có thể cực kỳ nghiêm trọng. Vì vậy, mỗi chủ xe cần chủ động phòng tránh bằng cách bảo dưỡng xe định kỳ, kiểm tra hệ thống điện và nhiên liệu, đồng thời trang bị kiến thức cơ bản để kịp thời ứng phó với sự cố.
Hãy nhớ rằng, "phòng cháy hơn chữa cháy" luôn là nguyên tắc vàng để bảo vệ an toàn cho bản thân, tài sản và cộng đồng.
Theo Ngô Minh (VietNamNet)