Thuế ôtô 200%: Giá tăng gấp đôi, trùm xe sang phát hoảng

13/01/2015 08:05:52

Đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới gần 200% tới siêu xe khiến cho các ông trùm buôn xe sang phát hoảng. Nếu điều này thành hiện thực thì các tay buôn xe sang chỉ còn nước bỏ nghề và ngay cả VAMA cũng cho rằng không khả thi.

Đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới gần 200% tới siêu xe khiến cho các ông trùm buôn xe sang phát hoảng. Nếu điều này thành hiện thực thì các tay buôn xe sang chỉ còn nước bỏ nghề và ngay cả VAMA cũng cho rằng không khả thi.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô lắc đầu nói: "Tôi nghĩ là không khả thi. Nếu đánh thuế cao quá thì không ai mua xe. Đã không mua, không bán thì Nhà nước cũng không thu được thêm đồng thuế nào".

"Hơn nữa, đề xuất này là đi ngược lại với định hướng ổn định chính sách như Quy hoạch phát triển ngành ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch nêu rõ, chính sách phải ổn định trong 10 năm. Giảm thuế thì được chứ nếu theo hướng tăng thuế thì không được", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, đối với dòng xe ưu tiên dưới 1.5, Bộ Công Thương đề ra như vậy là giảm 15% cho cả xe nhập khẩu và xe nội địa. Trong khi đó, VAMA theo quan điểm Chính phủ cần ưu đãi là cho xe nội địa chứ không phải xe nhập khẩu.

Ông Tuấn cũng phân tích, ý nghĩa của tăng mạnh thuế đối với xe dung tích trên 3.0 lít nhằm giảm nhập siêu, tăng thu ngân sách là không lớn. Thị phần phân khúc xe này quá bé. Chưa kể, không ai nhập xe thì đến lúc đó, tưởng là tăng thu, cuối cùng lại thất thu ngân sách. Trong khi mục đích của Bộ Công Thương là muốn bù đắp lại phần giảm thu do giảm thuế đối với các dòng xe từ ASEAN tràn vào trong năm 2018, năm áp thuế 0%.

Tăng thuế, siêu xe Lamborghini Aventador sẽ tăng giá 27 tỷ lên 43 tỷ đồng?

Trong khi đó, ông Hùng, Giám đốc Công ty Ô tô Tây Bắc nói rằng, phương án của Bộ Công Thương muốn hạn chế xe sang, dung tích lớn, nhưng thực chất, có những loại xe không phải là sang, nhưng bắt buộc cần có dung tích lớn, động cơ khoẻ để vận hành một số địa bàn khó đi lại như vùng cao, miền núi.

Ông ví dụ, xe Land Cruiser có dung tích 4.6, giá bán lẻ hiện nay là 2,7 tỷ đồng. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 60% hiện nay lên tới mức 145% thì mức giá bán lẻ sẽ bị đội lên tương ứng khoảng 4,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều dòng xe rất thông dụng nhưng lại bị tăng đánh kể. Ví dụ Toyota Camry giờ có dung tích 2,5 lít, bị tăng 20% thuế, hay như các dòng xe S của Mercede, bị tăng tới 45-60% thuế.

"Nếu việc tăng thuế ở mức độ nào đó thì người dân có thể chấp nhận được. Nếu tăng đột biến, gây sốc thế này, tôi cho là không dễ để người tiêu dùng thực chấp nhận được", ông Hùng chia sẻ.

Đừng đổ lỗi ùn tắc cho siêu xe

Một ông trùm chuyên buôn siêu xe tại Hà Nội than thở: "Chính sách thế này thì giết thị trường xe"! Ông ước tính, trong 8 loại xe theo dung tích thì có tới 6 là loại là tăng thuế.

Ví dụ, các loại xe từ 2.0-2.5, mức tăng thấp nhất là khoảng 10% giá bán. Loại xe dung tích từ 2.5-3.0, giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 25% giá bán.

Kế tiếp, loại xe từ 3.0- 4.0, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 120%, mức tăng giá bán lẻ sẽ lên tới khoảng 50%. Với các loại xe có dung tích từ 4.0-5.0, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt là 145%, giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 60%.

Tăng sốc nhất phải là các dòng siêu xe có dung tích lớn. Ví dụ, xe t 5.0-6.0, ông chủ kinh doanh xe hơi này cho rằng, giá bán lẻ sẽ tăng ít nhất là khoảng 170% giá bán, tương ứng tỷ lệ tăng của thuế. Với xe trên 6.0, giá bán lẻ chắc chắn sẽ tăng 200% so với hiện nay.

"Tất cả các dòng xe siêu sang như Rolls - Royce, Bentley, Lamborghini đều sẽ tăng gấp đôi giá so với hiện nay", ông chủ này nói.

Nhiều loại xe phân phối lớn rất cần cho đường núi, đường dài, nông thôn chịu chung số phận xe sang.


Ví dụ, chiếc xe Lamborghini Aventador tại đại lý Lamborghini Hà Nội có giá gốc chỉ 400.000 USD và đang được bán với giá 1,2 triệu USD. Nếu áp theo trần thuế tiêu thụ đặc biệt tới 195% giá bán lẻ sẽ lên tới 2,1 triệu USD, tăng gấp đôi.

Trong 1,2 triệu USD giá hiện nay, có tới 390.000 USD là giá trị nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở múc 60%. Nhưng nếu tăng thuế như trên, phần thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp cho chiếc xe này sẽ lên tới 1,1 triệu USD, tức tăng tới 400%. Đồng thời, giá trị tính thuế VAT cũng tăng tương ứng tới 200%.

Ông trùm buôn xe giấu tên này cho rằng: với mức tăng thuế như trên thì thị trường xe bình dân vẫn phát triển mạnh nhưng các dòng xe cao cấp sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

"Nếu mục tiêu của bộ Công Thương là để giảm ùn tắc giao thông mà tăng gánh nặng thuế lên phân khúc xe dung tích lớn như vậy là không hợp lý. Vì, nhu cầu mua xe của người dân luôn luôn có, khi giảm số lượng xe cao cấp thì sẽ lại tăng số lượng xe dung tích nhỏ lên cao. Một chiếc xe cao cấp lưu hành tương đương bằng khoảng 20 chiếc xe bình dân lưu hành. Như vậy, không thể giải quyết ùn tắc được", ông chia sẻ.

Ông cho rằng, đạt được mục tiêu của Bộ Công Thương thì chính sách thiết thực nhất là nên tăng thu trực tiếp vào xe lưu hành như các nước phát triển đang làm. Giá xe vẫn rẻ, nhưng lưu hành thì sẽ thu phí rất cao. Nguồn tiền đó để mở rộng đường, nâng cấp chất lượng và hiện đại hoá các tuyến đường còn kém.

"Ngoài ra, tiền bảo hiểm thu cao để đánh vào ý thức của người tham gia giao thông và trách nhiệm đền bù cao xứng đáng cho người bị tai nạn giao thông được nhận.

"Ở đây các xe vẫn cứ giảm thuế theo đà hội nhập quốc tế nhưng để lưu hành được chiếc xe đó trên đường, người dân cần có thực lực tài chính. Chính sách này cần bình đẳng cho tất cả mọi người có nhu cầu mua xe và nguồn tiền thu được từ việc lưu hành này sẽ được dùng một cách hiệu quả nhất để phát triển đất nước", ông chủ này nói.
 
Theo Phạm Huyền (Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam)

Nổi bật