Theo số liệu bán hàng từ VAMA, mỗi tháng số lượng Vios bán ra trung bình trên 1.000 xe. Với doanh số 1.257 xe ở tháng 11, đây là tháng Vios có doanh số cao thứ 3 sau các tháng 9 (1.443 xe) và tháng 7 (1.281 xe). Trong khi đó, Ford Ranger chỉ có 2 tháng đạt doanh số trên 1.000 xe là tháng 10 (1.002 chiếc) và tháng 11 (1.333 chiếc). Mặc dù 2 mẫu xe ở 2 phân khúc khác nhau, một model sedan hạng B, một bán tải, nhưng ngôi vị xe bán chạy nhất tháng đã thể hiện xe bán tải đang ngày càng phổ biến và được yêu thích ở Việt Nam.
Ngôi vị số một của Ford Ranger cũng không phải là cuộc lật đổ sự thống trị của các mẫu xe Toyota duy nhất trong năm 2015. Trước đó, Mazda 3 cũng đã soán ngôi Toyota Corolla Altis và Mazda 6 vượt mặt Toyota Camry.
Toyota Corolla Altis bị Mazda 3 vượt mặt trong nhiều tháng.
Mazda 3 bắt đầu cuộc lật đổ Toyota Corolla Altis trong tháng 3 khi đạt doanh số 592 xe, xếp thứ 4 top 10 xe bán chạy nhất tháng. Trong khi, Altis chỉ đạt 435 chiếc và xếp thứ 7. Bộ đôi này có những màn so kè cân tài cân sức 4 tháng sau đó, khi mỗi xe đều xếp trên đối thủ trong 2 tháng. Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm, sức cạnh trạnh của Altis đuối dần, đặc biệt, Altis không góp mặt trong top 10 ôtô bán chạy tháng 10 và tháng 11. Đây là thời điểm Toyota Việt Nam bắt đầu tăng giá bán các dòng xe, trong đó có Corolla Altis. Được định vị ở phân khúc sedan hạng C nhưng giá bán cho Altis bản cao nhất 2.0V đến 992 triệu đồng còn bản thấp nhất gần 800 triệu đồng. Trái với đối thủ, nhà phân phối Trường Hải liên tục tung ra các chương trình khuyến mại và giá bán của Mazda 3 cũng chỉ từ 728 đến 860 triệu đồng, rẻ hơn các model Altis từ gần 80 đến 130 triệu đồng.
Ở phân khúc sedan hạng D, Trong 3 tháng đầu 2015, Toyota Camry liên tục bị Mazda 6 vượt qua về doanh số với mức chênh lệch khoảng 30-50 mỗi tháng. Tuy nhiên, với sự ra mắt của phiên bản nâng cấp mới trong tháng 4, mẫu sedan của Toyota đã lấy lại được vị thế dẫn đầu phân khúc. Hiện tại với mức tăng giá bán, Camry phiên bản 2.5Q có mức giá đến 1,4 tỷ đồng, bản thấp nhất giá 1,12 tỷ đồng. Ở tầm giá này, các mẫu xe đối thủ như Hyundai Sonata, Mazda 6 có lợi thế hơn về giá cũng như xuất xứ nhập khẩu.
Không chỉ các mẫu xe ăn khách đang bị các đối thủ vượt qua, Toyota Việt Nam còn đang bị cạnh tranh và phân chia thị phần mạnh mẽ từ Trường Hải, Hyundai Thành Công và Ford Việt Nam.
Trong số các đối thủ, Thaco Trường Hải nổi lên như một kình địch dù cả hai đều thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Kể từ đầu năm, Thaco cho biết họ đạt doanh số kỷ lục 36.623 xe du lịch, tăng hơn 100% so với cùng kỳ, trong đó Kia đạt 18.529 xe (tăng 90%), Mazda đạt 17.639 xe (tăng 114%), riêng thương hiệu xe Peugeot tăng tới 448% (455 xe), giữ vững mức tăng trưởng cao nhất trên thị trường ôtô Việt Nam kể từ đầu năm 2015 tới nay.
Hyundai Thành Công không công bố doanh số nhưng theo đại diện của nhà phân phối này, họ đã sớm đạt được mục tiêu bán 20.000 xe trong năm 2015 và hướng tới cột mốc mới gần 30.000 xe vào cuối năm.
Trong khi đó, Ford Việt Nam với sự đổi mới ở lãnh đạo cấp cao, sự mở rộng đại lý, doanh số cộng dồn của hãng từ đầu năm đã đạt 18.106 xe bán ra.
Theo Hân Nguyễn (Zing.vn)