Có thể nói sau 20 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại bởi doanh nghiệp nội địa không có sản phẩm nào ra hồn.
Đắt gấp bốn lần Indonesia
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá ô tô Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Điển hình là một chiếc ô tô Toyota Vios ở Việt Nam giá 570 triệu đồng, trong khi đó chiếc xe này ở Indonesia có giá chỉ 265 triệu đồng. Tương tự xe Honda CRV 2.0AT ở Việt Nam hơn 1 tỉ đồng, còn ở nước bạn chỉ hơn 400 triệu đồng. Hay như chiếc Toyota Innova bán ở Indonesia chỉ 282 triệu đồng, còn ở Việt Nam lên đến gần 800 triệu đồng.
Đây là những loại xe rất thông dụng, nằm trong phân khúc trung bình.
Theo bà Thúy, giá xe ở Việt Nam cao gấp 3-4 lần so với các nước vì mỗi chiếc xe phải gánh rất nhiều loại thuế, phí. Thuế, phí có khi chiếm đến 40% giá trị của xe, trong đó riêng chi phí sản xuất một chiếc xe trong nước lớn hơn 20% so với các nước khác.
“Thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây. Dù Việt Nam đã sản xuất được một số phụ tùng, linh kiện ô tô nhưng tỉ lệ thu mua trong nước rất thấp. Phụ kiện thân vỏ xe là sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất” - bà Thúy nêu thực tế.
Triển lãm ngành công nghiệp ô tô tại TP.HCM năm 2015. Ảnh: HTD |
Công nghệ quá yếu
Là một doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô lớn, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Toyota Việt Nam, cho rằng quy mô thị trường xe Việt Nam bằng 5%-10% so với Thái Lan và Indonesia với một nền công nghiệp phụ trợ yếu. Trong khi đó, giá thành xe chịu quá nhiều chi phí liên quan đến thuế, phí dẫn đến chi phí sản xuất cao.
“Hầu hết nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã có mặt tại ASEAN và Việt Nam. Họ đã thành công ở các quốc gia khác nhưng ở Việt Nam thì chưa” - ông Tuấn Anh nói.
Theo vị này, nhiều chi tiết trên xe Toyota phải tự đầu tư, sản xuất vì chưa có nhà cung cấp như thân xe, ống xả,… Trong số 18 nhà cung cấp phụ tùng nội địa, phần lớn là cung cấp từ công ty mẹ có nguồn gốc Nhật Bản.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho rằng chúng ta cần nhìn nhận thực tế 20 năm qua Việt Nam đã làm được gì cho ngành ô tô.
“Chính sách về ô tô của Việt Nam thất bại ở hai phương diện: Một là DN đầu tư nước ngoài không nội địa hóa được nhiều và đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu ô tô nào cho ra hồn, không có sản phẩm nào đáng kể” - ông Long nêu bức tranh buồn.
Chưa hết, theo cam kết từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ về 0%. Điều này sẽ tạo áp lực lớn hơn đối với sản xuất ô tô trong nước, nguy cơ nhiều DN sẽ ngừng sản xuất, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam sẽ phá sản.
Để giải bài toán nâng cao sức cạnh tranh cũng như giảm giá xe, bà Thúy đề nghị cần phải giảm thuế và phí. Trong đó chú trọng giảm thuế nhập khẩu linh kiện, cân đối giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý, tránh làm cho thị trường tăng trưởng quá nóng.
Bà Thúy nói: “Chính phủ cần tạo điều kiện cho các DN phát triển công nghiệp hỗ trợ, chú trọng đến dòng sản phẩm thân vỏ xe”.
Ông Long thì nhìn nhận thị trường Việt Nam lớn, hấp dẫn và sẽ có nhiều nhà sản xuất khác muốn nhảy vào. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam không thể chờ đợi DN đầu tư nước ngoài nội địa hóa tại thị trường nước mình, mà cần đẩy mạnh phát triển ngành ô tô trong nước nhưng phải lựa chọn những sản phẩm phù hợp.
Còn ông Tuấn Anh đề xuất các DN cần duy trì sản xuất và gia tăng sản lượng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao nội địa hóa, từ đó cắt giảm chi phí sản xuất. Chi phí sản xuất cao là vì lâu nay các DN sản xuất phải nhập trên 80% linh kiện từ nước ngoài. Việc nhập khẩu linh kiện này làm cho DN phải trả nhiều chi phí đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu…
Ngoài ra, phần lớn các DN có mặt tại hội thảo đều khuyến nghị Bộ Tài chính nên giữ ổn định các loại thuế và phí. Đặc biệt, khi ban hành chính sách, Bộ Tài chình cần tính toán cụ thể để duy trì quyền lợi giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.
Theo Trà Phương (Pháp Luật TP HCM)