Đang có một làn sóng e ngại xe dùng động cơ vận hành bằng dầu diesel, khi các quốc gia phát triển muốn hạn chế loại nhiên liệu gây tranh cãi này.
Trước đó, 13 nước châu Âu và Bắc Mỹ đã công bố kế hoạch cấm tất cả xe động cơ xăng và diesel vào năm 2050. Năm ngoái, thị trưởng các thành phố Paris, Madrid, Athens và Mexico City còn cùng nhau phác thảo kế hoạch cấm hoàn toàn xe động cơ diesel ở các thành phố này vào năm 2025. Tại Đức, hiện đang có hai thành phố là Stuttgart và Munich cân nhắc việc từ năm sau sẽ cấm xe động cơ diesel sản xuất trong vòng 3 năm trở lại đi vào thành phố.
Một chuyên gia về luật giao thông của công ty Rogert & Ulbrich ở Dusseldorf (Đức) - ông Tobias Ulbrich cho rằng chính các nhà sản xuất ô tô đã khiến những lệnh cấm xe động cơ diesel nói trên xuất hiện, do việc làm ăn gian dối.
London sẽ bắt đầu thu thêm phí độc hại 10 bảng Anh, đối với các xe động cơ diesel không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đi vào thành phố, vào tháng 10 tới. Thông tin này lập tức làm xáo trộn thị trường xe, xe diesel chỉ còn chiếm 40% tổng tiêu thụ ô tô trong tháng 3/2017, giảm so với tỷ lệ 45,8% của năm ngoái và đỉnh cao 48,1% hồi năm 2012. Theo số liệu của JATO Dynamics, doanh số xe diesel giảm xuống chỉ còn chiếm 46% thị phần ở châu Âu trong 3 tháng đầu năm nay, từ mức 50% của năm ngoái.
Cũng theo thống kê của JATO Dynamics, BMW có tỷ lệ xe diesel cao nhất ở châu Âu, trong khi 80% xe Volvo là diesel và Land Rover cũng có nhiều xe diesel. Thương hiệu có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Peugeot, với gần một nửa doanh số đến từ xe động cơ diesel trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ cao hơn mọi thương hiệu của Volkswagen Group.
Theo Thiên Nhân (Dân Việt)