Những lỗi vi phạm giao thông bị tạm giữ xe máy

10/05/2016 14:45:00

Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, tạm giữ phương tiện là một trong những biện pháp ngăn chặn sự tiếp tục vi phạm của người vi phạm, đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, tạm giữ phương tiện là một trong những biện pháp ngăn chặn sự tiếp tục vi phạm của người vi phạm, đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
 

Tạm giữ phương tiện là một trong những biện pháp ngăn chặn sự tiếp tục vi phạm của người vi phạm, đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính. - Ảnh minh họa

Đối với mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, nếu người điều khiển có một trong vi phạm sau đây thì người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện của người vi phạm đến 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt:

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy;

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn 
vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;

- Không có Giấy đăng ký xe theo quy định;

- Người điều khiển xe mô tô không có Giấy phép lái xe hoặc có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 6 tháng;

- Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong Giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ;

Theo Điều 46 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.

Việc tạm giữ giấy tờ của người vi phạm, pháp luật quy định như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Csgt tạm giữ chìa khoá xe là sai qui định

Đối với việc tạm giữ chìa khóa, hiện nay chưa có văn bản nào cho phép người có thẩm quyền xử phạt được tạm giữ chìa khóa xe của người vi phạm, do vậy về nguyên tắc, nếu người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ chìa khóa của người vi phạm là trái quy định của pháp luật.

Theo Thanh Hà (Báo Giao Thông)

Nổi bật