Ôtô nhập khẩu ồ ạt thời gian qua để né thuế đang đứng trước nguy cơ bị truy thuế hàng trăm triệu đồng.
Lý do là sau thời điểm trên, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được điều chỉnh tăng cao đối với xe có dung tích động cơ lớn từ 2.5 lít trở lên có hiệu lực. Các đơn vị nhập khẩu kỳ vọng nhập xe với mức thuế thấp và chờ sau ngày 1/7 để bán ra cho người tiêu dùng với mức cao để kiếm lời.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, quy định hiện hành cho phép cơ quan thuế truy thu với những trường hợp xe được nhập về trước ngày 30/6 nhưng bán ra sau thời điểm trên.
Theo biểu thuế TTĐB đối với ô tô quy định tại Luật Thuế TTĐB có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, thuế TTĐB nhiều dòng xe dung tích lớn tăng mạnh. Cụ thể, dòng xe có dung tích động cơ từ 2.5 lít đến 3.0 lít tăng thuế từ 50% lên 55%; xe có dung tích 3.0-4.0 lít tăng từ 60% lên mức 90%; xe có dung tích 5.0-6.0 lít lên mức 130% và trên 6.0 lít bị áp mức 150%.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7 nhưng bán ra sau thời điểm này thì phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định. Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Thông tư 130/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế. Vì thế các đơn vị nhập khẩu để né thuế vẫn phải chịu thuế theo luật mới.
Khách hàng tìm mua xe tại triển lãm ôtô vừa diễn ra tại TP.HCM. |
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam phân tích những đơn vị nhập khẩu nào không đọc kỹ luật, tìm hiểu luật và đi tập huấn về thuế thì mới có chuyện “hiểu nhầm” rằng nhập khẩu trước ngày 1/7 sẽ né được thuế.
“Theo Thông tư 130/2016, trường hợp DN nhập khẩu bán hàng thông qua đại lý chỉ hưởng hoa hồng thì thuế TTĐB tính trên giá xe nhập khẩu bán cho đại lý. Đối với trường hợp này thì nếu nhập xe trước 1/7 nhưng bán sau ngày này sẽ đóng mức thuế ít hơn. Trong khi đó những trường hợp nhập khẩu có quan hệ liên kết (nắm giữ ít nhất 20% vốn đầu tư) với đơn vị bán lẻ thì mức thuế TTĐB phải chịu rất cao vì tính trên giá bán của đại lý đến tay người tiêu dùng” - ông Trung nêu rõ.
Cũng theo ông Trung, những dòng xe nhập khẩu thường là loại xe sang có dung tích động cơ lớn. Do đó nếu nhập những dòng xe này thì tiền thuế phải đóng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, có nghĩa mức lãi của DN càng nhiều thì thuế đóng càng lớn.
Có ý kiến cho rằng khi bị truy thu thuế, chắc chắn các DN nhập khẩu ôtô sẽ đẩy giá ôtô lên cao nhằm bù vào khoản tiền thuế bị cơ quan chức năng truy thu. Điều này có nghĩa là người mua xe sẽ chịu thiệt.
Ông Trần Tấn Trung phân tích nếu khách hàng đã ký hợp đồng thanh toán tiền mua xe trước ngày 1/7, khi chưa áp thuế TTĐB mới thì không bị ảnh hưởng nhiều. các đơn vị nhập khẩu không chịu cập nhật quy định mới thuế thì phải tự móc tiền túi đóng số tiền thuế truy thu. Trong đó những đơn vị nhập khẩu ô tô để biếu tặng sẽ bị truy thu thuế nhiều nhất.
Anh Nguyễn Anh Dũng, nhà ở quận 3, cho biết bạn bè anh trong giới kinh doanh xe cũng nhận định số lượng khách hàng chịu thiệt vì bị truy thu thuế đối với ô tô nhập khẩu là không nhiều. Vì khi khách hàng đã đặt mua xe trước thời điểm luật thuế mới có hiệu lực thường thanh toán theo mức giá trước thời điểm này.
“Bản thân tôi cũng tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng nhờ mua được xế hộp nhập khẩu trước thời điểm 1/7” - anh Dũng khoe.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ đại lý kinh doanh ôtô ở quận Tân Bình, TP.HCM lại cho rằng khách hàng vẫn là người chịu thiệt nhất, đặc biệt là trong trường hợp đặt cọc mua xe trước ngày 1/7 nhưng lại tính giá xe tại thời điểm nhận xe, hoặc trong hợp đồng ghi mức giá bán trên cơ sở thuế suất mới.
Theo Quang Huy (Pháp Luật TP.HCM)