Thầy dạy lái xe tại Việt Nam chủ yếu dạy theo kinh nghiệm, làm sao để học viên biết lái hơn là lái đúng luật và có văn hóa.
Ảnh minh họa. |
Khi đi học 3-4 học viên với một thầy, câu chuyện thầy trò nói với nhau chủ yếu là cách làm sao để biết lái xe, chứ không có thời gian cho những kiến thức về luật giao thông, kỹ năng mềm khi lái xe hay văn hóa lái xe thế nào cho chuẩn xác.
Tôi còn nhớ cách đây khoảng 7 năm khi lần đầu tiên đi học lái xe, buổi đầu tiên thầy giáo mở nắp ca-pô, chỉ chỗ này là cái này, chỗ kia là cái nọ, tương tự vậy trong cabin. Sau đó lập tức tôi phải ngồi vào ghế lái, làm quen với chân côn, ga, phanh, cần số, vô-lăng, gạt xi-nhan... Riết một vài buổi sau đó là thời gian học để làm sao không chết máy, chỉ bấy nhiêu thôi đã là quá nhiều kiến thức.
Tôi không được học đóng, mở cửa xe thế nào cho an toàn và lịch sự, không được dạy đi ra đường phải xếp hàng sau các xe hàng chứ không nhoi lên chen cả khoảng trống dành cho xe máy. Tôi cũng không được học thấy đèn vàng thì chủ động giảm tốc dừng lại, thậm chí một số người dạy trẻ tuổi còn "động viên" người học là "nhanh đi, đèn vàng tranh thủ qua luôn". Là vậy đấy.
Học viên sau vài buổi thuê xe chip tập cho quen đường thi thực hành là có thể bước vào kỳ thi, một chút may mắn là ai cũng được cấp giấy phép lái xe. Trong số này, rất nhiều người sở hữu ôtô ngay và lái xe xuống phố chỉ vài ngày sau khi nhận bằng. Họ mới chỉ biết cách kiểm soát ôtô ở mức sơ đẳng nhất, còn chưa biết phải ứng xử thế nào trong các tình huống thực tế trên đường. Theo tôi, đây là một trong những nguyên nhân lớn gây ra nhiều vụ tai nạn hoặc những tranh chấp không đáng có.
Để tài xế Việt có thể hoàn thiện kỹ năng mềm, hệ thống đào tạo lái xe ở Việt Nam cần thay đổi. Thầy dạy lái phải tự nâng cấp kiến thức về luật, văn hóa giao thông để truyền thụ lại những điều đó cho học viên của mình, có vậy mới mong mỗi ngày ra đường là một ngày vui.
Theo Độc giả Nguyên Khoa (VnExpress.net)