Nạn còi vô tội vạ ở Việt Nam

20/05/2016 09:16:00

Từ ôtô to cho đến ôtô con hay xe máy thích là bấm còi, bừa bãi, vô ý thức, như thúc người phía trước nhanh chóng phải nhường đường.

Từ ôtô to cho đến ôtô con hay xe máy thích là bấm còi, bừa bãi, vô ý thức, như thúc người phía trước nhanh chóng phải nhường đường.
 
 

Luật Giao thông đường bộ đã có điều khoản cấm bấm còi hơi khi đi trong khu đô thị, tại Khoản 12, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành vi “Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này”.

Theo đó, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi bấm còi hơi trong đô thị và khu đông dân cư. Nếu người điều khiển ôtô vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Điểm b, Khoản 3, Điều 5 quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô thực hiện hành vi vi phạm “Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định”.

Như vậy, khi đi trong đô thị, khu đông dân cư, nếu người điều khiển ôtô bấm còi hơi thì sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Trên thực tế cũng đã có không ít người bị tai nạn do giật mình mà ngã ra đường, thậm chí đã có trường hợp tử vong rất thương tâm khi bị chính chiếc xe bấm còi chèn phải. Luật đã quy định cấm nhưng hình như có một số lái xe cố tình quên thì phải, trong phố, khu đô thị cứ dùng còi hơi để “quát nạt” người đi đường, mặc cho mọi người khó chịu, mặc cho nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao từ tiếng còi hơi quá cỡ.

Điều đáng nói nữa là không chỉ mấy ông xe to thích dùng còi để bắt nạt xe nhỏ, cái tật “thích dùng còi” hình như đang lây lan như một loại dịch bệnh thì phải. Ôtô lớn bấm còi, ôtô nhỏ bấm còi, xe máy cũng thích bấm còi. Chẳng cần tìm đâu xa, bạn thử dừng xe đèn đỏ là thấy ngay thôi, trong lúc mọi người đang tham gia trò chơi đếm ngược từ cái đèn tín hiệu …10, 9, 8, 7, 6, 5… vâng chỉ cần đến 5 thôi là đủ các loại còi xe đã vang lên như nhắc nhở những người ở hàng trước: “Sắp hết giờ rồi, đi thôi”, họ cứ làm như những người đứng ở hàng trên không biết đọc hay sợ mọi người ngủ quên không di chuyển chăng?

Nếu ai đã có dịp đi các nước châu Âu thì sẽ thấy họ rất rất ít dùng còi. Chúng chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn cấp hoặc nhắc nhở người cùng tham gia giao thông về sự mất an toàn cận kề, hãn hữu lắm họ mới bấm còi.

Thôi thì nói chuyện ở châu Âu xa xôi quá, hãy nhìn sang nước bạn Lào của chúng ta mà xem. Anh bạn tôi đang công tác bên Lào nói rằng ở bên ấy đi cả ngày chẳng nghe thấy tiếng còi xe, phải chăng người Lào họ không vội như chúng ta nên hầu như họ không dùng còi thì phải?

Đọc đến đây chắc sẽ có người thắc mắc, vậy cái còi sinh ra để làm gì? Đương nhiên nó sinh ra có tác dụng cảnh báo người đi đường. Tuy vậy không phải bạ đâu cũng bấm, tình huống nào cũng còi, tiếng còi chỉ thật sự hữu ích khi nó được sử dụng đúng lúc, đúng luật và có văn hóa.

Tôi xin được dùng mấy câu thơ sau để thay lời kết của bài viết, chúc các bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe và lái xe an toàn, đặc biệt là sử dụng còi xe thật chuẩn:

Trăm năm, trong cõi người ta
Còi xe không khéo dễ là hại nhau
Đường đông, ai cũng muốn mau
Bấm còi loạn xạ cho sầu đôi tai
Lỡ ai giật thột, ngã nhoài
Xảy ra tai nạn, tương lai …còn gì
Ai ơi, chớ có vội chi
Hãy luôn nhường nhịn, ta thì cùng vui!

 

Độc giả Duy Tuấn

Theo Lương Dũng biên tập (VnExpress.net)

Nổi bật