Mỹ cũng công nhận có thể "đổ 56 lít xăng vào bình 50 lít"

28/10/2015 15:35:03

Từ năm 2005, viện tiêu chuẩn và công nghệ của Mỹ có tên NIST đã đưa ra thông tin xác nhận về bình xăng có thể chứa nhiều hơn so với thông số của nhà sản xuất đưa ra.

Từ năm 2005, viện tiêu chuẩn và công nghệ của Mỹ có tên NIST đã đưa ra thông tin xác nhận về bình xăng có thể chứa nhiều hơn so với thông số của nhà sản xuất đưa ra.

Trường hợp điển hình là một người đàn ông sở hữu chiếc Toyota Camry đời 2000 tại Canada. Khi đưa chiếc Toyota Camry trong tình trạng gần cạn nhiên liệu vào một cây xăng ven đường, người đàn ông này khá bức xúc vì phải đổ trên 72 lít xăng cho bình xăng vốn có dung tích chỉ khoảng 70 lít.

Con số chênh lệch không đáng kể nhưng người đàn ông vẫn vào những diễn đàn của kỹ sư ô tô để xin trợ giúp. Cuối cùng, người đàn ông nhận được câu trả lời: việc bình xăng có khả năng chứa lượng nhiên liệu thực tế cao hơn so với thông số nhà sản xuất đưa ra là chuyện khá bình thường.

Vậy, vì sao bình xăng có thể chứa nhiều hơn thông số mà hãng xe đã đề ra?
 
Một bộ phận không nhỏ các chủ xe luôn muốn đổ thật đầy nhiên liệu để có thể đi được thêm nhiều hơn.
 
Dung tích bình xăng thường được các hãng làm tròn thay vì để số lẻ

Quả thật như vậy, nguyên tắc thiết kế bình xăng thường được tính toán làm sao để có trọng lượng phù hợp với chiếc xe, cũng như vừa đủ để người sử dụng có thể cảm thấy thoải mái. Bài toán đặt ra là nếu bình xăng lớn quá thì sẽ gây ra tình trạng tăng trọng lượng của chiếc xe và ít quá thì sẽ phải đổ xăng nhiều lần. Việc tính toán này khiến mỗi loại xe sẽ có dung tích bình xăng khác nhau.

Trong quá trình tính toán, dung tích bình xăng bao giờ cũng là số lẻ. Tuy nhiên, khi công bố, các nhà sản xuất sẽ làm tròn lên. Ví dụ, bình xăng có dung tích 50,45 lít thì sẽ được ghi với thông số là 50 lít.

Dung tích bình xăng thực mặc định sẽ luôn cao hơn thông số đưa ra

Bình xăng là bộ phận rất đặc biệt và phải đảm bảo tính an toàn cao. Xăng là dạng chất lỏng có tính giãn nở nên bình chứa luôn phải có khoảng trống để phục vụ việc này. Khi nhiệt độ tăng do môi trường, lượng xăng trong bình cũng sẽ giãn nở ra. Để đề phòng việc người sử dụng bơm đầy xăng, các nhà thiết kế luôn phải tính toán góc vòi đổ xăng khi sử dụng vòi bơm xăng có tính tương tác hai chiều, tự ngắt khi bình xăng đã ở mức đầy an toàn. Ngoài ra, phần phía trên nóc bình xăng thường được làm phồng hơn để tạo ra khoảng trống giúp xăng có thể giãn nở tốt trong bình mà không tạo ra áp lực lớn lên bình xăng.

Theo thiết kế chung để đảm bảo an toàn và tiện lợi, vị trí từ nắp bình xăng tới bình xăng và động cơ thường được đặt khá xa nhau. Chúng được liên kết với nhau bằng các ống nối dài và điều này cũng là một phần lý do khiến dung tích bình xăng do nhà sản xuất đưa ra luôn thấp hơn khả năng chứa thực tế.
 

Nóc bình xăng luôn gồ lên để tạo khoảng trống giúp xăng có thể giãn nở tốt hơn.

 
Đây không phải là điều kỳ lạ

Vào năm 2005, viện Tiêu chuẩn và Công nghệ của Mỹ có tên NIST đã đưa ra thông tin xác nhận về việc bình xăng có thể chứa nhiều hơn so với thông số thiết kế. Để giải thích cho việc này, NIST đưa ra bản báo cáo thử nghiệm cũng như lý do an toàn khiến các nhà thiết kế xe phải tạo ra những khoảng trống trong bình xăng.

Theo đó, nếu muốn xác định thông số thực của bình xăng, bạn phải loại trừ toàn bộ xăng có trong ống dẫn từ bình xăng tới động cơ và thậm chí là từ nắp bình xăng xuống đáy. Ngoài ra, một phần nhỏ của xăng nằm dưới đáy động cơ, nơi mà hệ thống hút xăng trong bình không thể hút tới, cũng không được tính.

Có một sự thật là nắp bình xăng luôn được thiết kế theo vòi bơm. Theo đó, khi đạt tới lượng nhiên liệu đủ theo thông số, vòi bơm sẽ tự ngắt và lượng xăng thừa ra sẽ được hút lại thông qua một ống nhỏ tích hợp trong vòi bơm và đưa trả về bể chứa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi vị trí chiếc xe đỗ bị dốc, nghiêng, lượng xăng sẽ được đưa vào nhiều hơn trước khi hệ thống đo áp suất của vòi bơm xăng nhận diện lượng xăng đã đủ.

NIST cũng đưa ra cảnh báo về việc nên sử dụng lượng xăng vừa đủ, theo đúng thông số nhà sản xuất đã công bố. Đồng thời, người dùng không nên dùng thông số này để tính toán lượng xăng thực tế mà bình chứa nhiên liệu có thể chứa. Nếu muốn chứa được nhiều xăng hơn khi đi đường xa, bạn nên sử dụng các can xăng phụ để mang theo.

Một chiếc xe có thể chứa được hơn 10 lít xăng so với thiết kế

Điều này là hoàn toàn có thể nếu như bạn cố tình. Sử dụng cách bơm nhồi, ép, lắc xe cho lượng không khí trong bình thoát ra ngoài cũng có thể giúp bạn đổ thêm xăng vào bình chứa.

Những phép thử thực tế tại Việt Nam trên chiếc Acura MDX đời 2010 được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ cho thấy chủ xe chưa dùng tới những cách trên cũng có thể chứa được nhiều hơn 10 lít so với thông số mà hãng đưa ra. Cũng như vụ việc chiếc xe cỡ nhỏ như Daewoo Matiz có khả năng chứa 47,5 lít trong khi theo thông số hãng này đưa ra chỉ ở mức 35 lít.

Vụ việc xảy ra với chiếc Kia Cerato vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, theo clip ghi lại có thể thấy người bơm xăng đã bơm tới 3 lần cho tới khi đầy tràn cũng có thể là lý do khiến lượng xăng đổ vào cao hơn hẳn thông số mà hãng Kia đưa ra.
 
>> Vụ chủ xe tát người bán xăng: Mời nhà báo cùng đi "khám bình"
>> Hà Nội: Đổ 56 lít cho bình xăng 50 lít, nhân viên cây xăng bị bạt tai
>> Vụ "đổ 56L xăng vào bình 50L": Kia Trường Hải xác nhận Kia Cerato chỉ đổ được tối đa 53L

Theo Autopro.com.vn/Trí Thức Trẻ

Nổi bật