Làm thế nào để không đạp nhầm chân ga?

04/03/2016 11:04:31

Giữ thần kinh luôn tỉnh táo và luyện thói quen không để chân quá lâu trên bàn đạp ga để không giật mình khi cần phanh gấp.

Giữ thần kinh luôn tỉnh táo và luyện thói quen không để chân quá lâu trên bàn đạp ga để không giật mình khi cần phanh gấp.

 

Đạp nhầm chân ga là nguyên nhân nhiều tai nạn thảm khốc.

 
Tuy nhiên, các tài xế già và chuyên gia lái xe an toàn của nhiều hãng xe hơi lại chỉ đồng ý một nửa với ý kiến này. Tài xế có nguy cơ đạp nhầm chân ga rất cao khi không tỉnh táo, sử dụng chất kích thích nhưng tài già cũng vẫn có khả năng đạp nhầm chân ga như tài trẻ. Có nghĩa, không phải cứ nhiều kinh nghiệm là không đạp nhầm.

Con số thống kê thực tế cho thấy, ở Nhật trong 2009 có 6.700 vụ tai nạn, 37 người chết và hơn 9.500 người bị thương được cho là liên quan tới lỗi nhấn ga thay vì phanh khi lái xe. Con số này ở Mỹ còn cao hơn, mỗi năm khoảng 16.000 vụ, theo Cục an toàn giao thông, theo Timescolonist.

Vậy những trường hợp nào dễ dẫn tới đạp nhầm chân ga nhất?

Đó là khi tài xế rơi vào tình huống bất ngờ trong không gian hẹp. Steve Wallace, một chuyên gia từng là thầy giáo dạy lái xe sau đó thành cây viết về xe hơi tại Mỹ cho biết, ông chứng kiến hàng nghìn vụ việc như thế. Vào lúc tài xế cảm thấy mất kiểm soát bàn đạp một cách bất ngờ, lại thêm không gian hẹp càng khiến thần kinh căng cứng quá mức, thêm hoảng loạn.

Ví dụ khi tài xế đang cố đạp ga thật nhanh để vượt xe khác, nhưng không gian lại bị giới hạn bởi xe ngược chiều, dải phân cách bên trái và xe khác bên phải. Hoặc trường hợp khác khi tài xế đang nhích trong đường tắc, cho xe chạy chậm rãi, không tải để lăn bánh, lùi xe vào chuồng đỗ. Những tình huống trên đều có nguy cơ dẫn tới đạp nhầm chân ga cao nhất.

Nguyên nhân nào khiến tài xế đạp nhầm chân ga?

Với tài xế đang chạy nhanh và muốn thúc ga nhanh để vượt, chuyên gia y tế cho biết, đó là lúc bàn chân phải rơi vào trạng thái tê ì. Thông thường khi đường không cần phanh nhiều, tài xế sẽ lười mà chỉ để chân ở ga, không  thay đổi để chân có cảm giác, chính lúc đó chân bị tê ì. Khi bất ngờ, phản ứng đơn giản nhất lúc này là đạp tiếp mà không thể nhấc hoặc xoay chân sang bàn đạp ga.

Ngược lại, đối với tài xế đang chạy chậm hay lăn bánh không tải, đó là do kiểu ngộ nhận của thần kinh. Vì chân đang để ở phanh, nên lỡ có trường hợp bất ngờ xe lăn nhanh hơn, thần kinh có xu hướng hiểu rằng "chuyển sang bàn đạp khác sẽ giúp xe dừng". Suy luận này hình thành từ thói quen có điều kiện là khi xe đang chạy, chuyển từ chân ga sang phanh thì xe dừng, mà không xác định rõ chân nào là phanh, chân nào là ga.

Những phản xạ và nguyên nhân trên đây, người mới lái xe dễ gặp hơn do chưa quen, dễ hoảng loạn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là với tài xế kinh nghiệm thì điều này không xảy ra. Thực tế, có nhiều tài già vẫn gặp rủi ro này, LATimes cho biết.

Làm cách nào để không đạp nhầm chân ga?

Chuyên gia lái xe an toàn của các hãng cũng như các tài xế kinh nghiệm cho biết, có hai điều kiện quyết định là giữ cho thần kinh luôn tỉnh táo và rèn luyện thói quen "chân phải không bao giờ nghỉ".
 

Cần linh hoạt thay đổi vị trí chân phải giữa ga và phanh tránh tê ì.

 
Mỗi khi ngồi sau vô-lăng, lái xe cần trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, không ốm, mệt mỏi hay đau nhức các bộ phận như chân, tay, vai hay lưng. Đồng thời, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, chất kích thích làm thần kinh hưng phấn quá độ mà thiếu chính xác.

Khi đã có tình trạng sức khỏe tốt, việc tiếp theo là rèn luyện cơ chế sử dụng chân linh hoạt. Có nghĩa là, không để chân phanh nằm ở bàn đạp phanh hoặc ga quá lâu. Thay đổi vị trí để chân không tê ì sẽ giúp não bộ đưa ra quyết định chính xác hơn.

Về kỹ năng đặt chân khi lái, chuyên gia của Porsche cho biết, đặt chân chữ V sẽ cho cách vận hành thoải mái và an toàn nhất. Tuy nhiên cần lưu ý những trường hợp phanh gấp. Một số tài xế có thói quen xoay gót để đạp phanh, nhưng cử chỉ này có thể nguy hiểm trong trường hợp bàn đạp phanh và ga ngang và gần nhau. Lúc đó, bàn chân phần lớn nằm ở phanh nhưng vẫn bám một phần nhỏ sang chân ga, khiến phanh mất tác dụng.

Để khắc phục, cần tập thói quen nhấc hẳn chân và đạp thẳng mỗi khi phanh gấp. Cách bố trí hình học giữa ghế lái và chân ga giúp tài xế luôn đạp vào phanh nếu chân phải đạp thẳng, mạnh.

Cuối cùng, một điểm quan trọng là luôn chạy trong tốc độ giới hạn cho phép. Thực tế hầu hết lái xe cho rằng, xe có thể chạy nhanh hơn tốc độ tối đa cho phép mà vẫn "cảm thấy an toàn". Tuy nhiên, theo chuyên gia, tốc độ tối đa ở một đoạn đường nào đó được tính toán dựa trên nhiều yếu tố đảm bảo đủ không gian, địa hình giúp tài xế phản ứng nhanh, chính xác nhất khi xảy ra sự cố. Cảm giác không thể chính xác vì còn phụ thuộc vào kinh nghiệm cầm lái, độ an toàn của xe cùng nhiều yếu tố khác trên đường.
 
>> "Siêu bò" Lamborghini Huracan giá 13,5 tỷ "tử nạn" trên đường cao tốc
>> Hà Nội: Bé trai bị taxi đâm đang trong tình trạng hết sức nguy kịch
 
Theo Đức Huy (VnExpress.net)

Nổi bật