Lái xe qua nơi ngập nước như thế nào cho an toàn?

25/05/2016 10:36:00

Ô tô là một phương tiện hiện đại và "nhạy cảm" với những con phố ngập nước. Những hỏng hóc do ngập lụt gây ra có thể tiêu tốn của người sở hữu tới 1/3 giá trị xe để phục hồi.

Ô tô là một phương tiện hiện đại và "nhạy cảm" với những con phố ngập nước. Những hỏng hóc do ngập lụt gây ra có thể tiêu tốn của người sở hữu tới 1/3 giá trị xe để phục hồi.
 
Lái xe qua nơi ngập nước như thế nào cho an toàn?
 

Với ô tô, "phòng bệnh" rẻ hơn rất nhiều so với "chữa bệnh". Chủ xe có thể tốn chi phí bằng 1/3 giá trị xe để "chữa bệnh" nếu xe bị thủy kích. Do đó, xác định có nên lái xe qua nơi ngập nước không là điều nên nghĩ tới đầu tiên.

Mực nước 60 - 70 cm là đủ để gây nguy hiểm cho phần lớn xe hơi hiện nay, trừ những mẫu xe địa hình với những trang bị chuyên dụng. Với một số mẫu sedan gầm thấp, mực nước khoảng 30 cm cũng có thể coi là nguy hiểm.

 Mực nước khoảng 30 cm cũng đủ để gây nguy hiểm cho những chiếc sedan gầm thấp.
Mực nước khoảng 30 cm cũng đủ để gây nguy hiểm cho những chiếc sedan gầm thấp.

Bạn có thể nhìn các phương tiện khác đang di chuyển trong khu vực ngập nước hoặc nhìn vào bờ tường nhà trong khu vực ngập để xác định mức nước. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, mặt đường không bằng phẳng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nên ước lượng dư một chút để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Lái xe qua khu vực ngập nước như nào?

Mực nước là một cản trở lớn cho xe, đồng thời, trong điều kiện mặt đường ngập nước, lốp xe cũng mất độ bám đường. Do đó, người lái xe nên điều khiển xe chạy chậm, đi số nhỏ và đều ga.

Thêm vào đó, việc giảm tốc cũng phải thực hiện từ từ. Tránh phanh gấp, đổi hướng đột ngột, gây trượt bánh, mất kiểm soát.

Với những tình huống bất ngờ, phản ứng thông thường của người lái xe là cuống cuồng đánh lái hoặc đạp phanh gấp. Nhưng thực tế, điều cần làm là nhả ga, phanh từ từ và chuyển hướng dần dần hoặc chỉ phanh xe mà không chuyển hướng.

Khi nào thì nên "rút lui"?

Ngoài việc mực nước quá cao, một dấu hiệu khá đơn giản để biết xe đang gặp tình huống nguy hiểm đó là hiện tượng vòng tua máy tụt. Trong trường hợp này, nếu có thể, tốt nhất nên đánh xe vào lề, tắt máy, chờ nước rút.

Những nguy hiểm tiềm tàng

Đường ngập nước che khuất những bất thường như rác, đá hay nắp cống trên mặt đường, do đó, rủi ro cũng cao hơn rất nhiều khi đi trên mặt đường không ngập nước. Một số người lái xe có tư duy "phóng nhanh" để thoát khỏi nơi ngập nước, nhưng thực tế điều này mang lại nhiều nguy hiểm cho xe.

Ngoài ra, xe hơi di chuyển ngược chiều cũng là một nguy hiểm tiềm tàng. Sóng nước tạo ra bởi các xe ngược chiều có thể khiến nước chui vào hệ thống máy móc. Do vậy, cũng cần xác định được vị trí của cửa lấy gió, từ đó xác định mức nước an toàn là dưới cửa này khoảng 20 cm.

Làm gì khi xe chết máy?

Khi xe chết máy, tốt nhất nên về "mo" (số N), đẩy xe vào lề đường và gọi cứu hộ. Cố thử đề nổ máy trong trường hợp này là một việc làm hết sức "dại dột". Nước chui vào động cơ có thể gây thủy kích, gẫy tay biên hoặc nặng hơn là hỏng hoàn toàn động cơ.

 Không cố đề nổ trở lại khi xe chết máy.
Không cố đề nổ trở lại khi xe chết máy.

Sau khi qua nơi ngập nước, nên kiểm tra toàn bộ nội thất để làm khô và tẩy rửa những nơi bị ngấm nước. Nước bẩn, đặc biệt là nước có muối, làm hỏng nội thất nhanh hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tương.

Tiếp theo, bạn nên kiểm tra toàn bộ dung dịch sử dụng trên xe (như nước làm mát, dầu máy, v.v...). Bất cứ loại dung dịch nào bị lẫn nước đều cần phải được thay thế.

Các thiết bị tiếp theo cần kiểm tra là các thiết bị điện. Hệ thống điện trên các xe hơi hiện đại thường có tính kết nối cao, do đó, chỉ cần hỏng một chi tiết nhỏ cũng có thể kéo theo hỏng cả một hệ thống.

Cuối cùng, lốp và phanh là các chi tiết thường bị những mảnh rác, đất cát, gạch vụn chui vào, gây mất an toàn. Kiểm tra, làm sạch các bộ phận này là điều cần thiết, sau khi đi qua những nơi ngập nước.

Theo Tư Quảng (Cafebiz.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật