Gần nửa hãng xe Nhật sẽ biến mất trong 5 năm tới

12/05/2016 18:00:00

Chi phí tăng cao có thể làm giảm số lượng các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản xuống còn khoảng 3 đến 4 hãng vào năm 2021, theo công ty nghiên cứu ô tô Kelley Blue Book.

Chi phí tăng cao có thể làm giảm số lượng các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản xuống còn khoảng 3 đến 4 hãng vào năm 2021, theo công ty nghiên cứu ô tô Kelley Blue Book.

Tuy vậy, ngành công nghiệp từng một thời là tấm gương thể hiện sức mạnh kinh tế Nhật Bản đang gặp khó. Lợi nhuận của Toyota giảm mạnh, trong khi Mitsubishi Motors vướng vào bê bối gian lận bài kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu. Ngay cả các nhà cung ứng cũng có liên quan: hãng sản xuất túi khí Takata hôm nay 12.5 báo lỗ ròng lần thứ ba trong bốn năm qua, sau một đợt triệu hồi xe lớn.  

Đến năm 2021, Nhật Bản có thể chỉ còn từ 3 đến 4 nhà sản xuất ô tô
Đến năm 2021, Nhật Bản có thể chỉ còn từ 3 đến 4 nhà sản xuất ô tô

“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy sự hợp nhất của các doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới, để số lượng xuống còn 3 đến 4 nhà sản xuất lớn, trái ngược với cảnh có rất nhiều hãng nhỏ như hiện nay. 1/3 hay có thể đến một nửa công ty sẽ biến mất trong vòng 5 đến 10 năm”, giám đốc cấp cao Karl Brauer của công ty Kelley Blue Book nhận định.

Ông Brauer đưa ra ý kiến không lâu sau khi hai hãng xe Nhật Bản là Nissan Motor và Mitsubishi đàm phán thắt chặt quan hệ kinh doanh. Nissan có thể trả đến 1,85 tỉ USD cho 1/3 cổ phần trong Mitsubishi, trở thành cổ đông riêng lẻ lớn nhất của Mitsubishi.

“Hợp nhất sẽ hiệu quả hơn vì ngành công nghiệp này đang rất cạnh tranh và nếu bạn không phải là một công ty lớn, bạn sẽ gặp khó trong việc nghiên cứu và phát triển”, ông Brauer giải thích.

Thêm vào đó, chi phí được dự báo là sẽ chỉ tăng trong tương lai, khi ngành công nghiệp tiến về các phương tiện không người lái và phương tiện có thể chia sẻ truy cập internet với các thiết bị khác. “Nếu bạn có 8 doanh nghiệp cùng chi một số tiền thì sẽ ít hiệu quả hơn so với bốn doanh nghiệp cũng chi số tiền đó”, ông Brauer nói.

Vivek Vaidya, phó chủ tịch hãng ô tô Frost & Sullivan nhận định: “Đây là ngành công nghiệp nghiêng về quy mô. Đã qua rồi những ngày mà bạn chỉ cần từ 200.000 đến 300.000 chiếc là sống sót. Toàn cầu hóa đang càn quét không thương tiếc các doanh nghiệp không có khả năng mở rộng quy mô”.

Tương tự, sáp nhập cũng là con đường thoát tốt nhất cho các hãng cung ứng đang trong khủng hoảng như Takata, Vaidya nói thêm. “Không phải là doanh nghiệp đã đi xuống mà chỉ là một thành phần đặc biệt gây ra tình trạng lộn xộn. Họ có rất nhiều kế hoạch sản xuất, tài sản trí tuệ và vì thế, ở mức giá cụ thể, họ có thể là một thương vụ tốt”, Vaidya cho biết.

Thực tế, hợp nhất toàn ngành công nghiệp trong các hình thức như mua bán, sáp nhập hoặc liên doanh rất có ý nghĩa khi ngành ô tô toàn cầu gặp nhiều thách thức đáng kể trong tương lai.

“Có rất nhiều thay đổi trong thời gian tới, thay đổi trong quy định về hiệu quả và an toàn nhiên liệu. Các hãng sản xuất đang đầu tư hàng tỉ USD trong các lĩnh vực trên và điều này sẽ tác động đến tỷ lệ lợi nhuận. Ô tô toàn cầu đang thận trọng hơn về vấn đề chất lượng, đặc biệt là khi những chiếc xế của họ ngày càng phức tạp hơn”, giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương James Chao của hãng IHS Automotive nói. Ông Chao cho rằng ngành ô tô thế giới đang ở đỉnh cao lợi nhuận và tình hình này đang đi xuống. 

Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)

Nổi bật