Đằng sau câu chuyện thành công của các hãng xe nội địa Malaysia

08/09/2017 10:49:00

20 năm trước, Malaysia không có ngành công nghiệp xe hơi nội địa, chủ yếu lắp ráp sản phẩm cho nước ngoài. Ngày nay, gần 50% xe lưu hành tại Malaysia được sản xuất trong nước.

20 năm trước, Malaysia không có ngành công nghiệp xe hơi nội địa, chủ yếu lắp ráp sản phẩm cho nước ngoài. Ngày nay, gần 50% xe lưu hành tại Malaysia được sản xuất trong nước.

Proton và Perodua là hai hãng xe hơi nội địa thành công nhất tại Malaysia. 

Công nghiệp ôtô là một trong những ngành công nghiệp chế tạo quan trọng nhất ở Malaysia. Đây là ngành góp phần đẩy nhanh tốc độ trở thành nước công nghiệp phát triển của đất nước này. 

Công nghiệp xe hơi Malaysia bắt đầu vào những năm 1960. Ban đầu, chính phủ khuyến khích các nhà máy lắp ráp liên doanh với các nhà sản xuất châu Âu. Mặc dù có chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ôtô tại Malaysia không thành công cho đến những năm 1980, chủ yếu vẫn dựa vào xe nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản. 

Năm 1983, Dự án Ôtô Quốc gia (Proton) được thành lập, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước này. 

Hãng Proton

Sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ đối với ngành công nghiệp ôtô khiến Proton trở thành biểu tượng thành công của cá nhân và quốc gia tại Malaysia. 

Tháng 7/1985, Perusahaan Otomobil Nasional Bhd, hay còn gọi là Proton, được thành lập. Hãng xe nội địa Malaysia nhanh chóng tăng trưởng và chiếm thị phần lớn. Năm 1994, mẫu sedan Saga của Proton chiếm tới 74% doanh số bán xe tại Malaysia. 

Thời bấy giờ, nền kinh tế Malaysia tăng trưởng trung bình 8% một năm kể từ năm 1988. Tầng lớp trung lưu khoảng 19 triệu người.

Dang sau cau chuyen thanh cong cua cac hang xe noi dia Malaysia hinh anh 2

Proton từng là hãng xe thống trị thị trường Malaysia. Ảnh: Motoring.

Mạng lưới đường sá và đường cao tốc được mở rộng từng ngày khiến việc đi lại bằng ôtô trở nên dễ dàng hơn, dẫn tới nhiều người Malaysia có nhu cầu mua xe. 

Nhu cầu về xe hơi khi đó mạnh đến nỗi các khách hàng phải nằm trong danh sách chờ hàng năm trời mới được sở hữu một chiếc Proton mới. Ước tính doanh số toàn thị trường năm 1995 là 120.000 chiếc, tăng trưởng đều đặn từ mức 109.000 chiếc năm 1994 và 94.000 chiếc năm 1993. Năm 2016, thị trường xe hơi Malaysia đã tiêu thụ 580.000 chiếc.

Sở dĩ Proton thu hút người dùng tại Malaysia là bởi chất lượng và công nghệ của Nhật nhưng giá cả cạnh tranh. Chính phủ Malaysia kiểm soát phần lớn nhà máy lắp ráp Proton, chỉ 17% thuộc sở hữu của Mitsubishi Group (Nhật Bản). 

Dang sau cau chuyen thanh cong cua cac hang xe noi dia Malaysia hinh anh 3

Hai hãng xe nội địa chiếm gần 50% thị phần tại Malaysia. 

Từ khi bắt đầu sản xuất, Proton được áp dụng chính sách thuế ưu đãi do chính phủ đưa ra nhằm áp đảo các đối thủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Chẳng hạn, Proton chỉ phải trả 13% thuế linh kiện nhập khẩu, chủ yếu là động cơ và bộ truyền động từ Nhật Bản, trong khi các công ty nước ngoài tại Malaysia phải trả 42%.

Proton thành công nhờ các chương trình mà chính phủ nước này mang lại, nhằm mục tiêu đưa Malaysia trở thành nước công nghiệp hoá toàn diện vào năm 2020. Thủ tướng Malaysia thời bấy giờ Mahathir Mohamad là người có công đầu trong việc thúc đẩy hai chương trình Proton và công nghiệp hoá. Mục tiêu của ông không chỉ sản xuất đủ Proton đáp ứng nhu cầu trong nước mà phải xuất khẩu một nửa. 

Năm 2016, các hãng xe hơi nội địa của Malaysia là Proton và Perodua chiếm tới 48,2% thị phần thị trường trong nước. 

Bên cạnh đáp ứng nhu cầu trong nước, xe hơi Malaysia cũng được xuất khẩu đi các nước sử dụng tay lái nghịch như New Zealand, Anh, Trung Đông, Đông Nam Á và Australia. Proton giờ đây đã xuất hiện tại 25 quốc gia, trở thành thương hiệu quốc tế. 

Hãng Perodua

Perusahaan Otomobil Kedua Sendirian Berhad, thường được viết tắt là Perodua, là nhà sản xuất ôtô lớn nhất Malaysia. Hãng được thành lập năm 1992 và ra mắt chiếc xe đầu tiên vào tháng 8/1994. 

Toyota chiếm 35% cổ phần của Perodua thông qua công ty con Daihatsu. Phần còn lại thuộc về các công ty nội địa Malaysia. 

Ban đầu, Perodua chủ yếu sản xuất xe nhỏ dành cho đô thị và xe siêu nhỏ. Do không cạnh tranh trực tiếp với bất kỳ mẫu xe nào của Proton nên hãng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nhờ lượng khách hàng trung lưu đông đảo nơi đây. Sau khi vững mạnh tài chính, Perodua bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với Proton ở nhiều phân khúc khác nhau. 

Dang sau cau chuyen thanh cong cua cac hang xe noi dia Malaysia hinh anh 4

Perodua Myvi trở thành chiếc xe phổ biến nhất Malaysia nhằm thay thế xe máy. Ảnh: Nazrisalim.

Perodua không sản xuất các thành phần chính của chiếc xe như động cơ, hộp số mà sử dụng linh kiện của Daihatsu. Hãng xe Nhật Bản ban đầu nắm giữ 20% cổ phần của Perodua, tăng lên 25% năm 2001 và tiếp tục tăng lên 35% trong những năm gần đây. Daihatsu là công ty con của Toyota, vì vậy nhà máy của Perodua còn kết hợp lắp ráp Toyota Avanza để bán cho thị trường Malaysia. 

Năm 2016, Perodua bán được 207.100 xe, lập kỷ lục bán hàng từ khi thành lập và chiếm thị phần 35,7%. Công ty đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi thứ hai với tổng vốn đầu tư 770 triệu USD trong những năm tới. 

Với chiến lược khôn khéo, sản xuất những chiếc xe rẻ tiền nhưng chất lượng tốt để phục vụ 19 triệu người thu nhập trung bình tại Malaysia, Perodua trở thành lựa chọn số một cho những người muốn một chiếc xe hơi thay thế xe máy nhưng không có quá nhiều tiền.

Mẫu Perodua Myvi liên tiếp trở thành chiếc xe bán chạy nhất tại Malaysia từ năm 2006 đến 2013. Hiện nay, Perodua là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á, đạt doanh số trên 320.000 chiếc mỗi năm. 

Nguyên nhân thành công

Xe hơi là thị trường độc quyền. Trên thế giới có hàng tỷ người có nhu cầu mua sắm xe hơi, nhưng chỉ vài trăm thương hiệu được biết đến. 

Các thương hiệu lớn bỏ ngỏ phân khúc xe hơi giá rẻ, trong khi nhu cầu cao. Nắm bắt xu hướng này, cả Proton và Perodua đều nhắm vào khách hàng bình dân, lấy số lượng để thu lợi nhuận. 

Có thời điểm, Proton chiếm tới 72% thị phần tổng thị trường Malaysia, nhưng đã bị tụt xuống trong những năm gần đây. 

Chính phủ Malaysia dựng hàng rào thuế quan tự vệ, khiến xe hơi nhập khẩu trở thành món đồ xa xỉ với hầu hết tầng lớp trung lưu. Song song với đó, Malaysia cũng hạ thuế nhập khẩu linh kiện, giúp xe hơi sản xuất tại Malaysia có giá thấp hơn rất nhiều so với những mẫu xe cùng loại của đối thủ nước ngoài được lắp ráp trong nước. Sự chênh lệch này thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp lắp ráp, chế tạo, phụ trợ. 

Dang sau cau chuyen thanh cong cua cac hang xe noi dia Malaysia hinh anh 5

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad là người có công đầu đưa Malaysia thành cường quốc xe hơi trong khu vực. Ảnh: Getty Images. 

Là một công ty có 42,7% cổ phần nhà nước, Proton được bảo hộ về mặt tài chính. Hãng xe hơi có hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất có 1.000 nhà cung cấp linh kiện là đối tác. 

Sự bảo vệ của chính phủ và hàng rào thuế quan là những thế lực bảo vệ nền công nghiệp ôtô của Malaysia. 

Do được miễn thuế nhập khẩu linh kiện CKD, Proton bán rẻ hơn 20-30% so với những chiếc xe tương tự được sản xuất bởi các nhà lắp ráp khác trong nước. Vào những năm 1990, Proton trở thành chiếc xe chiếm ưu thế tuyệt đối ở Malaysia.

Tương tự Proton, Perodua cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế của chính phủ, đồng thời chiến lược kinh doanh khôn khéo giúp hãng này vươn lên thành nhà sản xuất số một Malaysia. 

Phân khúc xe hơi giá rẻ và siêu rẻ được thị trường đại chúng đón nhận nồng nhiệt. Máy móc chất lượng Nhật Bản, kiểu dáng liên tục cải tiến khiến những chiếc xe hiệu Perodua tràn ngập trên mọi nẻo đường tại đất nước này. 

Tuy nhiên, thị trường xe hơi Malaysia đang thay đổi nhanh chóng. Các hãng xe hơi nội địa bỏ trống phân khúc xe sang cho các công ty nước ngoài, trong khi tầng lớp người giàu tại Malaysia đang tăng trưởng chóng mặt. 

Việc thực hiện các cam kết tự do hoá thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cạnh tranh của Proton và Perodua. 

Ngoài ra, những khó khăn nội tại như kiểu dáng thiết kế lỗi thời, dây chuyền lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn an toàn nên không thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính là nguyên nhân khiến Proton đi xuống. 

Thời điểm 2018 đang tới gần. Những chiếc xe sản xuất từ Thái Lan có kiểu dáng đẹp, công nghệ hiện đại chỉ chịu thuế nhập khẩu 0% sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của Proton và Perodua. 

Theo Thạch Lam (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật