Các hãng xe Đức bị nghi thông đồng gian lận khí thải

25/07/2017 15:10:00

Các cơ quan chống độc quyền của châu Âu cho biết đang xem xét những cáo buộc về việc các hãng ô tô lớn như Volkswagen, Daimler và BMW đã thông đồng với nhau để ghìm giá các công nghệ quan trọng, trong đó bao gồm cả các thiết bị phát thải.

Các cơ quan chống độc quyền của châu Âu cho biết đang xem xét những cáo buộc về việc các hãng ô tô lớn như Volkswagen, Daimler và BMW đã thông đồng với nhau để ghìm giá các công nghệ quan trọng, trong đó bao gồm cả các thiết bị phát thải.

 

Hàng chục hội đồng đã tiến hành các cuộc thảo luận nhằm tìm ra cách thức để hạn chế cạnh tranh trong các công nghệ mới. Tạp chí Tấm gương cũng cho biết, quá trình này đã diễn ra từ những năm 1990 tới nay và khẳng định đã tiếp cận được một phần các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra chống độc quyền.

Trong thông báo hôm 22/7, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đã xác nhận một phần những thông tin trên. Đại diện của Uỷ ban này cho biết EC và Cơ quan chống cartel của Đức đã “tiếp nhận những thông tin về vấn đề này và hiện đang đợi uỷ ban đánh giá”. Bản tuyên bố không đưa ra thêm chi tiết nào, bởi “ở giai đoạn này vẫn còn quá sớm để suy đoán thêm”.

Về phần mình, ngay sau khi vụ việc được công bố, phát ngôn viên của các hãng xe có liên quan là Volkswagen, Daimler và BMW đã từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên theo tạp chí Der Spiegel, Volkswagen và Daimler đã thừa nhận một số cáo buộc với các cơ quan chức năng.

Hãng xe BMW hôm 23/7 đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc được truyền thông Đức đăng tải. Vụ việc đã ngay lập tức tác động tiêu cực tới các hãng xe khi khiến cổ phiếu của cả 3 hãng đồng loạt sụt giảm mạnh. Lao dốc mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu của Volkswagen, khi mất tới 4,9% trong khi Daimler và BMW cũng lần lượt chịu thiệt hại nặng (mất 3,2% và 3,4% giá trị).

Theo tờ New York Times, nếu được chứng minh là đúng, những cáo buộc này không chỉ khiến các nhà sản xuất ô tô Đức phải đối mặt với các khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ euro, mà còn là một đòn đánh mạnh nữa giáng vào uy tín của ngành công nghiệp ô tô Đức, vốn đã suy giảm đáng kể sau vụ bê bối gian lận của Volkswagen.

Hồi năm 2015, hãng ô tô này đã bị phát hiện sử dụng phần mềm gian lận khí thải để vượt qua các bài kiểm tra của cơ quan chức năng. Hệ quả là Volkswagen đã phải tiêu tốn tới 18 tỷ USD tiền nộp phạt chỉ riêng tại thị trường Mỹ, cùng với khoản tiền lên hàng tỷ USD chi phí triệu hồi xe.

CEO của hãng cũng mất chức, bị điều tra, trong khi doanh sốt tụt dốc mạnh, khiến Volkswagen phải nhường lại vị trí cao nhất thế giới cho Toyota chỉ sau 4 tháng nắm giữ. Và vụ bê bối của Volkswagen giờ đây, có vẻ như đang lan rộng sang các hãng xe khác.

BMW, bộ phận sản xuất Mercedes Benz của Daimler, cũng như bộ phận sản xuất Audi và Porsche của Volkswagen hiện đang chiếm lĩnh thị trường xe hơi hạng sang trên toàn cầu, và là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Đức. Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẵn sàng trả một số tiền lớn để mua xe thuộc các thương hiệu này, bởi danh tiếng về độ chuẩn hoá và tinh xảo trong các sản phẩm.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhận thức về tác hại của khí thải động cơ diesel đang thúc đẩy nhiều thành phố tại châu Âu cân nhắc việc cấm các loại xe sử dụng động cơ này, đồng thời cũng khiến nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với loại xe hiện đang chiếm tới một nửa thị trường ô tô. Và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu kết quả điều tra chứng minh được rằng, sự gian lận khí thải là kết quả của một thoả thuận ngầm giữa các hãng sản xuất ô tô.

Giáo sư Ferdinand Dudenhoffer tại trường đại học Duisburg Essen - một người am hiểu về ngành công nghiệp ô tô nhận định: “Kể từ khi vụ bê bối gian lận khí thải diễn ra 2 năm trước, niềm tin vào ngành công nghiệp ô tô Đức đang ngày càng giảm sút. Động cơ diesel là phát minh vĩ đại của nước Đức, nhưng giờ đây rất khó để cứu thoát nó.”

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, tác động của cuộc khủng hoảng còn có thể lan sang cả lĩnh vực chính trị. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang cố gắng tách mình khỏi ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tại Đức đang tới gần. Chính phủ của bà hiện đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích do đã vận động hành lang ủng hộ các quy định lỏng lẻo về khí thải của châu Âu – được cho là một phần nguyên nhân dẫn tới vụ bê bối.

Giáo sư Dudenhoffer cho biết thêm: “Vụ bê bối gian lận khí thải xảy ra vì các chính trị gia của chúng ta đã thông qua những điều luật không phù hợp.”

Mặc dù cáo buộc về thoả thuận ngầm này mới chỉ được đưa ra trong thời gian gần đây, nhưng có một thực tế rõ ràng là các phương tiện được bán ra bởi hầu hết các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu đều có mức khí thải ô nhiễm hàng ngày cao hơn so với khi vận hành thử trong các bài kiểm tra. Hệ quả là lượng khí ôxít nitơ độc hại tại các khu đô thị tăng cao hơn rất nhiều so với quy định.

Các nghiên cứu của chính phủ Anh, Pháp, Đức được tiến hành hồi năm ngoái cho thấy, các nhà sản xuất ô tô đã lợi dụng những lỗ hổng pháp lý trong các quy định của liên minh châu Âu (EU) để vi phạm các tiêu chuẩn về khí thải. Ví dụ như nhiều công ty đã giảm các biện pháp kiểm soát khí thải ở nhiệt độ dưới 20 độ C, được cho là để bảo vệ động cơ khỏi hư hỏng. Thế nhưng các nhà quản lý lại không chú ý đến điều này và chỉ kiểm tra ở nhiệt độ trên 20 độ C.

Ngoài ra, một số cáo buộc được tạp chí Der Spiegel đưa ra cũng phù hợp với những thông tin trước đó về vụ gian lận của Volkswagen.

Hồi năm 2006, các hãng sản xuất ô tô Đức đã đồng ý giới hạn kích thước bình chứa nhiên liệu để nhường chỗ cho một hoá chất có tên gọi AdBlue giúp trung hoà khí thải diesel. Tuy vậy, theo một tài liệu tại toà án, Volkswagen và đơn vị con Audi trước đó từng thừa nhận rằng các bình chứa được lắp đặt trong các ô tô của họ không chứa đủ lượng hoá chất này. Hồi đầu tháng này, một kỹ sư từng tố cáo lên toà án tại Mỹ về việc, Volkswagen không muốn các bình chứa lấy mất không gian dành cho hệ thống âm thanh của xe.

Thay vì lắp đặt các bình chứa nhiên liệu với kích thước lớn hơn, Volkswagen và Audi đã lập trình xe để phân giải hoá chất AdBlue và do đó, tạo ra nhiều khí thải hơn. Lượng khí thải này chỉ giảm xuống khi phần mềm động cơ phát hiện xe đang ở trong cuộc thử nghiệm chính thức.

Ngoài Volkswagen và Audi đã thừa nhận sai phạm, các nhà sản xuất ô tô lớn khác của Đức cũng đã thừa nhận rằng phương tiện do họ sản xuất có thể đã sản sinh ra lượng khí thải nitơ ôxít lớn hơn, trong quá trình vận hành hằng ngày. Sau Daimler và BMW, hôm thứ 6 tuần trước, đến lượt Audi cũng đã thông báo kế hoạch nâng cấp phần mềm đối với các xe chạy động cơ diesel trên phạm vi toàn châu Âu để giảm lượng khí thải.

Theo Lạc Diệp (Dân Trí)

Nổi bật