Áp suất lốp ô tô là thước đo lượng không khí bên trong lốp xe, nói đơn giản là mật độ khí nén giúp lốp giữ được hình dạng và hoạt động ổn định. Đơn vị đo áp suất lốp thường được biểu thị bằng các đơn vị như KPa, Bar, Kg/cm² hoặc phổ biến nhất là PSI (pound trên inch vuông). Đây là mức khuyến nghị từ nhà sản xuất ô tô dành riêng cho từng dòng xe, không phải con số tuyệt đối.
Tuy nhiên, mức áp suất lốp ô tô "lý tưởng" thực sự còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện đường sá, thời tiết và cả cách bạn lái xe. Dưới đây là những kiến thức cần thiết để bạn quản lý và điều chỉnh áp suất lốp một cách hiệu quả và an toàn.
Tác hại của việc bơm lốp quá căng
Lốp xe bị bơm quá căng sẽ nhanh chóng bị mòn ở phần giữa bề mặt tiếp xúc. Nghiêm trọng hơn, diện tích tiếp xúc với mặt đường giảm đi đáng kể, dẫn đến lực kéo kém hơn. Điều này gây ra nhiều hệ lụy như quãng đường phanh dài hơn, khả năng tăng tốc chậm chạp và xe mất ổn định khi vào cua.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng lốp quá căng làm cho xe xóc hơn, khó điều khiển xe và mòn lốp không đều. Một số người lầm tưởng rằng bơm lốp căng để tiết kiệm nhiên liệu nhưng thực tế đã chứng minh điều đó không mang lại hiệu quả đáng kể.
Trong khi đó, những rủi ro về an toàn cũng như tuổi thọ lốp là không đáng để đánh đổi. Tốt nhất, bạn nên tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo lốp mòn đều và có độ bám đường tối ưu.
Lốp xe quá thấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Vậy mức áp suất nào là quá thấp? Một nguyên tắc chung là bất kỳ mức nào dưới 20 PSI đều tiềm ẩn nguy hiểm, và dưới 15 PSI thì rủi ro còn cao hơn nữa. Thế nhưng mức độ rủi ro, nguy hiểm còn phụ thuộc vào loại xe, loại lốp và tốc độ di chuyển. Xe càng nặng và thành lốp càng mềm thì nguy cơ mất an toàn càng lớn.
Lốp xe non hơi sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như bị mòn không đều, dễ bị quá nhiệt và tạo áp lực lớn lên thành lốp. Khi điều kiện vận hành và thời tiết tác động đến lốp trong thời gian dài, áp suất có thể giảm dần mà bạn không nhận ra. Nếu cứ tiếp tục di chuyển với lốp non hơi, nguy cơ nổ lốp hoàn toàn có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp đến an toàn của bạn.
Áp suất lốp lý tưởng là bao nhiêu?
Lời khuyên đơn giản nhất là hãy tham khảo nhãn dán áp suất khuyến nghị thường nằm ở mép trong cửa lái hoặc trong phần nắp che bình xăng. Thông số này chỉ định mức PSI tiêu chuẩn cho lốp ở trạng thái nguội. Hầu hết các xe con thường có áp suất khuyến nghị từ 30-35 PSI, nhưng các loại xe SUV, xe bán tải và xe hiệu suất cao có thể có yêu cầu khác.
Trừ khi xe của bạn đang sử dụng loại lốp xe quá đặc biệt so với lốp tiêu chuẩn, ví dụ như lốp xe địa hình hoặc lốp xe hiệu suất cực cao, còn không bạn nên tuân theo khuyến nghị của nhà sản xuất lốp ô tô.
Bên cạnh đó, nhiệt độ môi trường có tác động đáng kể đến áp suất lốp. Khi nhiệt độ tăng hoặc giảm 10 độ, áp suất lốp cũng tăng hoặc giảm thêm khoảng 1 PSI. Đó là lý do tại sao bạn có thể thấy chỉ số PSI cao hơn vào buổi chiều so với buổi sáng. Để có kết quả chính xác, hãy kiểm tra áp suất khi lốp nguội, lý tưởng là trước khi khởi hành.
Với người yêu tốc độ hoặc thường xuyên di chuyển trên đường trường, có thể điều chỉnh áp suất để tối ưu hiệu suất và độ bám đường. Một phương pháp phổ biến được nhiều tài xế áp dụng là quy tắc 10/20 - nghĩa là sau khi lốp ấm lên, cần tăng 10% PSI ở lốp trước và 20% PSI ở lốp sau. Cách này giúp cải thiện độ bám và độ linh hoạt khi vận hành ở tốc độ cao.
Nhìn chung, một nguyên tắc vàng dành cho bạn là nên theo dõi và kiểm tra lốp xe ít nhất mỗi tháng một lần, đừng chủ quan bỏ qua đèn cảnh báo áp suất lốp trên bảng táp-lô và trang bị cho mình một thiết bị đo áp suất lốp thay vì nhìn bằng mắt thường.
Hãy nhớ rằng, việc duy trì áp suất lốp đúng chuẩn không chỉ giúp xe vận hành êm ái, kéo dài tuổi thọ lốp và tiết kiệm chi phí mà quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho bạn và những người tham gia giao thông khác. Hãy chăm sóc "đôi chân" của chiếc xe bạn như chính đôi chân của mình!
Theo Ngô Minh (VietNamNet)