Biến động bất thường của thị trường ôtô Việt Nam tháng 7

09/08/2017 07:51:00

Lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh số tháng 7 sụt giảm so với tháng 6, vì tâm lý chờ đợi biến động của giá xe tới 2018.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh số tháng 7 sụt giảm so với tháng 6, vì tâm lý chờ đợi biến động của giá xe tới 2018.

bien-dong-bat-thuong-cua-thi-truong-oto-viet-nam-trong-thang-7

Khách hàng trong một showroom Toyota tại Hà Nội. Tháng 7 hãng xe Nhật cho mức giảm 37% so với tháng 6. Ảnh: Nhật Nguyễn.

Trong thời buổi giá xe "loạn lạc", từ mà Khánh Minh, một nhân viên bán Mazda dùng để miêu tả cái nghề "sales bốn bánh" của mình, những người như Quỳnh Trang không phải số hiếm. Chỉ từ đầu tháng, Minh đã vuột mất hai khách, người thì nói không mua nữa chờ xem giá có tiếp tục giảm, người lại mua ở đại lý khác chỉ vì rẻ hơn 5 triệu.

Khó khăn của đội ngũ bán hàng thể hiện trên kết quả kinh doanh toàn thị trường. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số tháng 7 đạt 20.662 xe, giảm 15% so với tháng 6 và giảm 27% so với tháng 7/2016. Cả xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu đều giảm (lần lượt là 14% và 17%).

Hầu hết các hãng xe đều ghi nhận số bán giảm so với tháng trước, hãng càng lớn tốc độ giảm càng cao. Toyota giảm 37%, Mercedes 35%, Mazda 7%, Kia 2%, Lexus 15%, Isuzu 12%... Số ít các hãng có kết quả tăng là Honda và Mitsubishi cùng tăng 14%.

Kể từ khi thị trường ôtô phục hồi 2013, đây là năm đầu tiên doanh số tháng 7 giảm sút so với tháng 6. Thực tế này là điều lạ bởi lẽ thông thường khách hàng sẽ dồn mua xe vào tháng 7 để tránh bước vào tháng 8 (tháng 7 âm lịch) kiêng mua sắm.

bien-dong-bat-thuong-cua-thi-truong-oto-viet-nam-trong-thang-7-1

Doanh số xe của tháng 7 thường cao hơn hoặc ngang tháng 6, nhưng năm 2017 thì ngược lại. (Đơn vị: chiếc).

Khánh Minh và các đồng nghiệp của anh đều thấy khó khăn trước mắt. "Năm nay có hai tháng 6 âm lịch, tức phải đến tháng 9 mới là tháng 7 âm lịch nhưng doanh số đã chững lại từ bây giờ", Minh than phiền. Doanh số chững lại hai tháng trước mùa ngâu là kết quả của tâm lý chờ đợi của khách hàng, đến từ những đồn đoán về giá xe và từ chính chiến lược giảm giá sâu để kích cầu của các hãng.

Những chính sách chưa rõ ràng về thuế, phí vào thời điểm 2018 khiến câu hỏi xe có giảm giá hay không chưa có lời giải. Số đông khách hàng ôm hy vọng giá xe sẽ dễ chịu hơn, dù chỉ là là giảm nhẹ vào đầu năm sau, nên lùi thời điểm mua xe.

Vì tâm lý này của khách, hãng xe lại tung các chương trình khuyến mãi để kích cầu, với mức giảm giá từ vài chục tới vài trăm triệu. Nhưng chính lúc hãng giảm giá, một câu hỏi khác hình thành "Liệu từ giờ đến cuối năm hãng có giảm tiếp không?", và một lần nữa khách hàng lại chờ đợi. Tâm lý chờ đợi kép khiến doanh số thị trường tháng sau lại giảm một lượng đáng kể so với tháng trước.

Đại diện một số hãng thuộc VAMA thì cho biết, giá mà các hãng áp dụng trong 2017 đang là mức ưu đãi tốt nhất có thể, thậm chí với giá bán này, nhiều đại lý phải chấp nhận lấy doanh số bù lợi nhuận, kiếm lợi từ dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng hơn là bán xe.

Hãng xe không thể tự quyết định đặt giá ở đâu, tăng hay giảm mà phụ thuộc vào các quyết sách của Chính phủ. Bản thân hãng cũng mông lung về mức giá, nhưng đều khẳng định sẽ khó xảy ra viễn cảnh giá giảm sâu như khách hàng vẫn kỳ vọng.

Biết là như vậy, nhưng Quỳnh Trang và chồng vẫn quyết tâm chờ thêm vài tháng, với lý lẽ "giảm được chừng nào tốt chừng ấy".

Còn Khánh Minh, mối lo của anh không còn nằm ở việc làm sao thuyết phục khách hàng mua xe nữa, mà là làm cách nào, để có giá tốt hơn những nơi khác, dù chỉ là 5 triệu.

Theo Đức Huy (VnExpress.net)