Theo cây viết Alexei Oreskovic của Business Insider, khác với các quốc gia khác, xe tự lái sẽ trở thành thảm họa khi đến Việt Nam và nhiều nước Châu Á.
Xe tự lái đang trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Internet. Các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới, từ Google cho đến nhà sản xuất ôtô Ford, đều ấp ủ tham vọng và có chiến lược riêng trong lĩnh vực đầu tư mới này.
Những chiếc ôtô không người lái đầu tiên đã và đang được thử nghiệm tại quốc đảo Singapore. Tuy nhiên, ở quốc gia gần kề – Việt Nam, tương lai của xe tự lái không mấy sáng sủa.
Đối với những ai đã quen với việc đi lại ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản…việc người Việt lái xe không khác gì cảnh hỗn loạn thường thấy trên các bộ phim. Thay vì tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, người dân tự do điều khiển phương tiện theo cách họ muốn. Kỳ diệu thay, họ có thể tránh va chạm nhau một cách xuất sắc trong mọi tình huống.
Để làm được điều ấy, não bộ của chúng ta phải phân tích một loạt các tín hiệu gồm cả hình ảnh và âm thanh, cùng với khả năng xử lý song song tuyệt vời.
Tuy nhiên, bộ phận điều khiển của xe ôtô không thể hoạt động hiệu quả như vậy. Mới đây, một chiếc xe tự lái của Google đã va chạm với xe buýt tại ngã tư Mountain View, California, vì nhầm lẫn trong việc phán đoán tốc độ của các vật thể xung quanh.
Một mẫu xe tự lái của Google. Ảnh: AP. |
Trên các đường phố ở Việt Nam, xe máy, xe hơi và người đi bộ đồng loạt di chuyển độc lập, không tuân thủ bất kỳ quy tắc nào. Xe tự lái sẽ cần phải thực hiện hàng trăm câu lệnh để rồi bị “choáng ngợp”, đứng “chết trân” vì lo sợ đâm phải người đi đường.
Tương lai sẽ đến trong một thập kỷ
Liệu còn cơ hội nào cho tỷ phú Elon Musk hay Google với xe tự lái ở quốc gia Đông Nam Á này?
Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ ôtô tự động - giáo sư Raj Rajkumar thuộc trường Đại học Carnegie Mellon, Pennsylvania nhận định có sự tương đồng trong mô hình giao thông ở Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các hãng sản xuất xe ôtô.
Ông tin rằng trong tương lai, sự phát triển của công nghệ và trí thông minh nhân tạo có thể xử lý được vấn đề này song sẽ mất một khoảng thời gian ít nhất là 10 năm.
Quan trọng hơn, tiến sĩ Rajkumar cho rằng để thành công, các công ty cần tiến hành nghiên cứu nhằm “giải mã” cách thức vận hành, thậm chí tìm hiểu tâm lý người dân khi tham gia giao thông ở các nước như Việt Nam. Bởi khác với Mỹ - nơi người dân bắt buộc phải điều khiển xe tuân theo những quy tắc rõ ràng, lái xe Việt Nam sử dụng những “quy tắc ngầm” của riêng họ.
Tồn tại những quy tắc ngầm giữa người dân trong việc di chuyển. Ảnh: Reuters. |
Ông giải thích: “Ví dụ, nếu tài xế di chuyển trên đường, họ có quyền đi chậm, dừng hẳn, thậm chí là quay đầu xe nếu muốn. Những người xung quanh tự động phản ứng và thích ứng một cách vô điều kiện. Còi xe, tương tác qua ánh mắt đều đóng một vai trò quan trọng nhất định khi tham gia giao thông ở Việt Nam”.
Tất cả đều phải được mã hóa để hệ thống điều khiển của xe tự lái hiểu được.
Câu trả lời cuối cùng
Tiến sỹ Rajkumar đã đưa ra ý tưởng về công nghệ mới giúp giải quyết được vấn đề trên. Về cơ bản, công nghệ này có khả năng kết nối các phương tiện – người đi bộ với nhau, giúp họ tự động liên lạc. Việc này tiêu tốn cả về thời gian và tiền bạc khi phải trang bị cho từng người, từng phương tiện các thiết bị phù hợp.
Xe tự lái có thể là con gà đẻ trứng vàng của các ông lớn trên đường phố của thung lũng Silicon, nhưng cũng có thể trở thành tai họa ở những địa điểm khác, tiêu biểu là Việt Nam.
Theo Minh Minh (Zing.vn)