Vào năm 2015, việc thương hiệu Trung Quốc Landwind đạo nhái trắng trợn cả tên hãng Land Rover lẫn chiếc Range Rover Evoque bằng dòng xe nội địa có tên X7 từng khiến giới hâm mộ xe toàn cầu và cả một phần người tiêu dùng Trung Quốc phẫn nộ.
Giá bán chỉ bằng khoảng 1/3 “bản gốc” giúp X7 nhanh chóng trở nên phổ biến đối với khách hàng tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Năm 2016, lượng tiêu thụ X7 đạt hơn 70.000 chiếc. Thậm chí, tháng 11/2017, Landwind “ngang nhiên” ra mắt bản nâng cấp của X7, trước khi Evoque thế hệ mới kịp ra mắt.
Kể từ đó, mẫu SUV Anh Quốc liên tục trở thành "bia ngắm" để các hãng xe rẻ tiền khác tới từ quốc gia châu Á này nhắm vào. Đếm sơ sơ trên thị trường nội địa nước này có tới… gần 10 mẫu xe không ít thì nhiều đạo nhái lại thiết kế các phiên bản khác nhau của Range Rover. Thành viên mới nhất có tên Hunkt Canticie. Mẫu xe đạo nhái này do Hanlong Auto – một công ty có trụ sở tại Hồ Bắc, Trung Quốc phát triển.
Mẫu xe này không những giống đến hơn 90% Range Rover Sport, thậm chí hãng Hanlong Auto còn gọi nó bằng cái tên thân thương "Kuangshi" với mức giá cực rẻ.
Trước hết nói về động cơ, có thể hãng xe Trung Quốc lúc này mới tỏ ra kém cạnh, khi chiếc Canticie chỉ có tốc độ tối đa 185 km/h với động cơ 4 xy lanh 2.0L công suất 218 mã lực, quá yếu ớt so với 1 chiếc Range Rover hàng xịn với V8 5.0L tăng áp.
Nội thất của xe mang phong cách "râu ông nọ, cắm cằm bà kia", rất khác so với những chiếc xe Range Rover tiêu chuẩn, đáng chú ý là cụm màn hình giải trí kỹ thuật số và hiển thị thông tin được thiết kế giống với xe Mercedes-Benz S-Class. Đi kèm theo đó là một núm xoay cỡ lớn để sang số và hàng loạt nút bấm vật lý để điều chỉnh các tính năng trên xe.
Chỉ có phần ngoại thất của Hunkt Canticie lại rất giống với mẫu Range Rover Sport chính hãng với một số chi tiết như đèn pha, lưới tản nhiệt phía trước mạ chrome, đèn hậu rất giống. Nếu gắn thêm logo Range Rover, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một chiếc xe mới của hãng xe Anh quốc.
Tại sao Trung Quốc ngang nhiên sản xuất xe ngái mà không bị phạt?
Vậy vì sao việc xử kiện lại khó khăn đến thế, khi giới chuyên môn và người sử dụng đều không khó để nhận ra thiết kế bị sao chép?
Theo Auto Express (Anh), tạp chí này tham khảo ý kiến các luật sư và nhận thấy vấn đề nằm ở chỗ "Không có luật bản quyền quốc tế". Tức là thiết kế của Land Rover được bảo hộ ở Anh, nhưng khi sang nước khác thì chưa được bảo hộ, nên khó có cơ sở để kiện tụng.
Land Rover muốn kiện Landwind sao chép, cần chứng minh được hãng xe Trung Quốc sao chép những gì. Tòa án xem xét các chứng cứ mà hai bên cung cấp, từ đó đưa ra quyết định.
Việc chứng minh này tùy từng trường hợp, tùy từng hãng có cung cấp đủ chứng cứ hay không để tòa kết luận. Thời gian, chi phí và sự rắc rối trong thủ tục là các yếu tố khiến nhiều hãng biết rằng bị sao chép thiết kế nhưng cũng không đủ kiên nhẫn để theo kiện. Nhưng nếu doanh số của hãng bị ảnh hưởng bởi thiết kế của đối thủ, vấn đề sẽ trở nên phức tạp giống trường hợp của Land Rover.
Một ví dụ đơn giản, nếu muốn chứng minh đối thủ sao chép đèn pha, hãng phải đưa ra chứng cứ về việc đèn pha của hãng được tạo ra vào năm nào, đã đăng ký bản quyền hay chưa, thiết kế của đối thủ giống ở những điểm gì, lịch sử của đối thủ từng có thiết kế như vậy hay chưa. Ngay cả khi cung cấp đủ tài liệu, việc quyết định đôi khi còn phụ thuộc vào ý chí của tòa án. Bởi lẽ, bản vẽ thiết kế cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật, rất khó để đo lường hay định đoạt.
Ở Trung Quốc, có thể dễ dàng bắt gặp các mẫu xe nhái ở khắp các ngả đường. Những sản phẩm này vẫn được giới thiệu đường đường chính chính ngay tại các triển lãm ôtô lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nơi các phiên bản gốc cùng xuất hiện.
Minh Hà (SHTT)