Trước sự cố triệu hồi hơn 11.000 xe Grand i10, Hyundai không ít lần gặp lỗi buộc phải triệu hồi tại nhiều quốc gia khác nhau, với số lượng hàng triệu chiếc mỗi đợt. Liệt kê dưới đây bao gồm cả Kia (thương hiệu con của tập đoàn Hyundai) do chia sẻ nhiều nền tảng, cấu trúc và động cơ.
Hyundai và Kia bị kêu gọi triệu hồi gần 3 triệu xe (tháng 10/2018)
Hôm 12/10, Trung tâm vì An toàn Ôtô Mỹ (Center for Auto Safety) đã kêu gọi Hyundai và Kia triệu hồi gần 3 triệu xe crossover và sedan vì nguy cơ cháy. Những mẫu xe thuộc diện này bao gồm Kia Sorento, Kia Optima, Hyundai Sonata và Hyundai Santa Fe sản xuất giai đoạn 2011-2014, bên cạnh mẫu Kia Soul sản xuất 2010-2015.
Tổ chức phi lợi nhuận này đã kiến nghị tới Cơ quan An toàn Lưu thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) hồi tháng 6 để điều tra các khiếu nại. "Chúng tôi gây sức ép cho 2 hãng xe để họ triệu hồi, vì việc đánh giá rủi ro của NHTSA sẽ không đi đến đâu", ông Jason Levine, Giám đốc điều hành của The Center of Auto Safety cho hay.
Kể từ tháng 6, Center of Auto Safety và NHTSA đã nhận được hơn 200 đơn khiếu nại về việc dây diện bên trong bị cháy lớp vỏ bọc bên ngoài, dẫn tới hỏa hoạn tự phát.
"Số lượng và mức độ nghiêm trọng của lỗi này rất cao, vì cháy có thể xảy ra ngay khi lái xe trên đường cao tốc", Levine cho biết trong một tuyên bố.
43.941 xe gặp lỗi vô-lăng tại Mỹ (tháng 3/2018)
Hồi tháng 3 năm nay, hãng xe Hàn đã triệu hồi gần 44.000 xe vì lỗi vô-lăng có thể rời khỏi trục lái khi đang di chuyển. Những mẫu xe thuộc diện triệu hồi bao gồm Santa Fe và Santa Fe Sport. Tất cả đều thuộc phiên bản 2018.
Cụ thể, có 12.574 xe Santa Fe sản xuất từ tháng 6 tới tháng 12 tại Hàn Quốc, 13.749 xe Santa Fe Sport sản xuất từ tháng 7 tới tháng 10 tại nhà máy Alabama và 17.618 xe Santa Fe Sport sản xuất từ tháng 8 đến tháng 10 tại nhà máy Kia ở Georgia.
Lỗi vô-lăng có thể bị gẫy khỏi trục lái do Hyundai phát hiện và kiểm tra.
Hãng cho biết lỗi phát sinh từ nguyên nhân "nhiệt độ khuôn có thể đã tăng lên trong quá trình đúc" khiến phần vô-lăng không đạt tiêu chuẩn.
Gần 1,5 triệu xe Hyundai và Kia lỗi động cơ (2017)
Năm 2017, Hyundai và Kia phải triệu hồi gần 1,5 triệu xe tại Mỹ, Canada và Hàn Quốc. Trong đó bao gồm 1,19 triệu xe ở Mỹ, 114.187 xe ở Canada và 171.348 xe ở Hàn Quốc do vấn đề động cơ có thể làm chết máy đột ngột.
Các loại xe nằm trong diện triệu hồi này bao gồm Hyundai Sonata, Hyundai Santa Fe, Kia Sorento và Kia Sportage.
Việc triệu hồi có thể khiến mỗi công ty tốn kém hơn 220 triệu USD, Kohn Tae-bong, một nhà phân tích của Hi Investment & Securities cho biết.
Nhưng Hyundai và Kia có nói rằng cấu trúc động cơ không bị lỗi, mà lỗi liên quan tới quá trình sản xuất. Sau đó, họ tăng thêm thời gian bảo hành 2 năm cho những khách hàng sử dụng xe trang bị động cơ Theta 2 tại quê nhà.
Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc trước đó đã điều tra và phát hiện mảnh vụn kim loại trong khu vực trục khuỷu, dẫn đến động cơ bị chết máy.
Những mẫu xe bị triệu hồi tại Hàn Quốc bao gồm Hyundai Sonata, Hyundai Grandeur, Kia K5, Kia K7 và Kia Sportage sử dụng động cơ Theta 2 sản xuất trước tháng 8/2013. Hãng xe Hàn thay thế động cơ hoàn toàn mới cho khách hàng.
Nhưng đây không phải lần đầu tiên Hyundai và Kia buộc phải triệu hồi xe do lỗi động cơ Theta 2 của họ. Trong năm 2015, Hyundai đã triệu hồi 470.000 xe Sonata tại Mỹ để thay thế bộ phận bị lỗi trong động cơ.
Gần 1 triệu xe gặp vấn đề về dây an toàn (2017)
Một cuộc triệu hồi lớn khác trong năm 2017 của Hyundai liên quan đến dây an toàn. Có 997.778 xe dính lỗi này, bao gồm dòng Sonata sản xuất 2011-2014 và Sonata Hybrid sản xuất 2011-2015.
Trong trường hợp xảy ra va chạm, dây an toàn phía trước có thể bị đứt khỏi phần neo cố định trên cột A, tăng rủi ro chấn thương cho người ngồi bên trong. Các chủ xe có thể đến các đại lý để khắc phục lỗi miễn phí.
Gần 1,7 triệu xe lỗi hệ thống điện (2013)
Năm 2013, Hyundai và Kia đối mặt với đợt triệu hồi lớn nhất của họ vào thời điểm đó với gần 1,7 triệu xe dính lỗi. Cụ thể có hơn 1 triệu xe Hyundai và 623.000 xe Kia thuộc diện triệu hồi. Lệnh triệu hồi được đăng tải trên website của NHTSA.
Các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm Hyundai Accent, Hyundai Tucson, Hyundai Elantra, Hyundai Santa Fe, Hyundai Veracruz, Hyundai Genesis Coupe và Hyundai Sonata. Năm sản xuất mỗi dòng xe khác nhau.
Còn Kia triệu hồi dòng xe Rondo, Sedona, Optima, Sorento và Sportage. Hãng cho biết, những dòng xe kể trên bị lỗi hệ thống điện, khiến đèn hậu không sáng khi đạp phanh. Theo tờ The Detroit News, Kia chưa phát hiện bất cứ thiệt hại nào về người liên quan đến lỗi này.
Hyundai Thành Công vừa công bố triệu hồi 11.540 chiếc Grand i10 vì sự cố liên quan đến lỗi bu lông bắt puly đầu trục khuỷu có thể bị gãy.
Số xe cần được triệu hồi để thay thế bu lông bắt puly đầu trục khuỷu là mẫu xe Hyundai Grand i10 thuộc 6 phiên bản sử dụng động cơ 1,2 lít, bao gồm 3 phiên bản sedan và 3 phiên bản hatchback được sản xuất trong thời gian từ 07/6/2017 đến 31/3/2018.
Hồi tháng 5, Hyundai Thành Công cũng công bố triệu hồi 178 chiếc Grand i10 liên quan đến nhầm lẫn trong quá trình lắp ráp hệ thống phanh.
Theo Quốc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)