Xe hybrid đang phủ kín hầu khắp phân khúc bình dân
15 năm trước, khái niệm xe xăng lai điện (hybrid) vẫn còn khá xa lạ với nhiều người Việt. Một số mẫu xe hạng sang hybrid như Lexus, Mercedes-Benz, Audi, Volvo, Land Rover... được đưa về sớm nhưng chỉ mang tính quảng bá thương hiệu thay vì tiếp cận người dùng thực tế.
Phải đến năm 2020, xe ô tô hybrid mới thực sự được nhiều người tiêu dùng biết đến với sự ra mắt của mẫu xe Toyota Corolla Cross phiên bản HV. Sự xuất hiện này đã tạo nên một làn gió mới trong lộ trình dần chuyển dịch sang xe điện, hay "xe xanh" nói chung tại Việt Nam.
Sau gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 2022 đến nay được coi là giai đoạn bùng nổ khi thị trường ô tô Việt Nam liên tục đón nhận nhiều dòng xe hybrid.
Trong đó, Toyota là hãng xe đưa về nước nhiều mẫu xe hybrid nhất với những cái tên như Camry HEV và Corolla HEV (tháng 3/2022), Yaris Cross HEV (tháng 9/2023), Innova Cross HEV(tháng 11/2023), đưa số lượng mẫu xe hybrid của hãng xe Nhật Bản lên con số 5 và trải rộng trên nhiều phân khúc.
Người "đồng hương" của Toyota là Suzuki dù có ít mẫu và đa số luôn nằm trong top xe "ế ẩm" nhưng cũng đã đem tới thị trường Việt Nam 2 mẫu xe hybrid. Trong đó, Suzuki Ertiga Hybrid xuất hiện khá sớm từ tháng 9/2022. Khối động cơ mild-hybrid 1.5L của Ertiga giúp mẫu xe này có khả năng tiết kiệm nhiên liệu khá ấn tượng ở phân khúc MPV cỡ nhỏ, vốn đề cao tính thực dụng và tiết kiệm trong vận hành.
Mới đây nhất, ngày 20/8, Suzuki Việt Nam đã làm mới cho mẫu xe bán chạy nhất của mình là XL7 với phiên bản sử dụng động cơ xăng lai điện nhẹ, tương tự Ertiga. XL7 Hybrid có một vài nâng cấp nhỏ so với phiên bản XL7 trước đây, nhưng vẫn được hãng xe Nhật Bản giữ nguyên giá bán nhằm cạnh tranh với Toyota Veloz Cross và Mitsubishi Xpander Cross.
Trước đó, "sân chơi hybrid" còn có sự góp mặt của hàng loạt cái tên khác đến từ nhiều hãng xe khác nhau như Nissan Kicks ra mắt tháng 11/2022 với động cơ e-Power độc đáo; KIA Sorento có 2 biến thể là HEV và PHEV (cắm sạc ngoài) được giới thiệu vào tháng 12/2022; Hyundai Santa Fe bổ sung phiên bản Hybrid vào tháng 3/2023; Haval H6 "nhập mâm" vào tháng 8/2023; Honda CR-V cho ra mắt thế hệ mới với cả phiên bản e:HEV RS vào tháng 10/2023,...
Với sự có mặt của trên 10 mẫu xe phổ thông phủ đầy các phân khúc, từ SUV/crossover cỡ B-C-D, sedan cỡ C-D đến cả MPV, cùng giá bán từ hơn 500 triệu đến hơn 1,3 tỷ, rõ ràng xe hybrid đang đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng không kém gì xe động cơ đốt trong.
Bước chuyển đổi trong xu thế Net Zero
Tuy nhiên, những chiếc xe hybrid dù tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn phát thải ròng ra môi trường. Trong khi đó, Việt Nam đã có lộ trình Net Zero rõ ràng, đến năm 2050, các loại xe cộ lưu thông và sản xuất đều phải là xe điện và năng lượng sạch, phát thải Carbon bằng "0".
Liệu sự bùng nổ xe hybrid có đi ngược lộ trình trên?
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, với những ưu điểm của mình là tiết kiệm nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải khí carbon và tiếng ồn, sử dụng đơn giản nhưng không bị phụ thuộc vào hệ thống trạm sạc như ô tô thuần điện,... xe hybrid lại chính là xu thế hợp lý trong cuộc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện.
Vị chuyên gia này dẫn một khảo sát của Công ty Công nghệ Cốc Cốc và Hãng Tư vấn kiểm toán Deloitte cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam rất yêu thích công nghệ mới, vượt trên các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Đặc biệt, hơn 50% những người mua xe hybrid quan tâm đến các yếu tố như môi trường (phát thải CO2) và hiệu quả kinh tế (mức tiêu thụ nhiên liệu).
Giải thích sâu hơn về xu hướng xe hybrid trên thế giới, ông Phan Lê Hoàng Linh - Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết, trong các dòng "xe xanh" thì hai loại xe hybrid là HEV và PHEV (có sạc ngoài) vẫn sử dụng động cơ đốt trong có phát thải ra khí carbon. Tuy nhiên, các dòng xe lai này lại đang được các nước trên thế giới ưu tiên phát triển theo những cách rất khác nhau.
Đơn cử như Trung Quốc có chiến lược đến 2035 vẫn bán ra 50% là xe HEV, các loại xe còn lại là PHEV, xe thuần điện (BEV) và xe điện sử dụng hydro (FCEV) chiếm 50%. Tương tự, Hoa Kỳ cũng đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ có 50% lượng xe bán ra là hybrid. Đặc biệt, Nhật Bản trong vòng 20 năm tới vẫn tập trung vào các dòng xe HEV và FCEV. Bên cạnh đó, quốc gia này nghiên cứu phát triển một số dòng xe động cơ đốt trong sử dụng hydro.
"Có thể thấy, ngoại trừ thị trường châu Âu, ít nhất trong khoảng hơn 10 năm nữa (đến năm 2035), hầu hết các thị trường lớn còn lại trên thế giới vẫn có kế hoạch phát triển các dòng xe HEV và PHEV như một giải pháp trung gian khi hướng tới xe thuần điện BEV, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này", ông Linh nhấn mạnh.
Có thể thấy, các mẫu xe hybrid cùng với các dòng xe thuần điện hiện có đang làm thay đổi nhanh thói quen sử dụng "xe xanh" của người Việt. Điều này cũng phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm khí thải của ngành GTVT theo Quyết định số 876/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lộ trình này, giai đoạn từ nay đến 2030, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sang sử dụng các loại xe điện, bao gồm xe hybrid. Giai đoạn từ 2031-2040 từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước khi 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2050.
Trong bối cảnh xe điện còn gặp khó khăn trong vấn đề hạ tầng trạm sạc và nguồn điện, xe hybrid đang có "cơ hội vàng" và được coi như một bước đi trung gian cực kỳ hiệu quả trước khi bắt đầu chuyển hoàn toàn sang sử dụng xe điện không phát thải vào giai đoạn 2040-2050.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/xe-hybrid-cap-tap-ra-mat-co-di-nguoc-xu-the-than-thien-moi-truong-2312672.html